Cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng cơ hội đón sóng đầu tư nước ngoài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là vấn đề then chốt
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh những thách thức, thời hậu Covid cũng đang mở ra một số cơ hội mà chúng ta cần phải nắm bắt, nhất là những cơ hội từ việc dịch chuyển các làn sóng đầu tư.
“Điểm then chốt nhất là phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói. Theo đánh giá của đại biểu Vũ Tiến Lộc, “trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi kể từ đầu nhiệm kỳ này, cải cách thể chế đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều khí thế. Nhưng từ hơn 1 năm nay đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu cải cách hướng tới mục tiêu nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN đang trở thành lỡ hẹn. Vì vậy, tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang là một yêu cầu bức thiết đặt ra”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: “Điểm then chốt nhất là phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước”. Ảnh: Quochoi.vn |
Cùng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, chúng ta đã thiết lập trạng thái bình thường mới vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa chống dịch có hiệu quả. “Trạng thái bình thường mới này điểm cốt lõi vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thế chế. Việt Nam có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị nhà nước tốt, đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Do vậy đòi hỏi tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, thực chất hơn nữa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động”.
Theo phản ánh của nhiều đại biểu, các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thi, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp, từ: Quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình.
“Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất trung bình từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này và thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí. Chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào chim sẻ để có sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phát huy nội lưc của của doanh nghiệp trong nước trong việc góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế”, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nói.
Cần những ưu đãi mới mang tính cạnh tranh
Góp ý thêm về nội dung này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích, chúng ta đã có nhiều ưu đãi trong Luật Đầu tư. Tuy nhiên để thu hút tập đoàn hàng đầu lớn của thế giới, chúng ta cần có những ưu đãi mới, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.
“Tôi đề nghị cần mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn, để Thủ tướng có thể chủ động các phương án đàm phán với các nhà đầu tư”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề xuất. Tất nhiên, đi kèm với những đột phá này, đại biểu cũng nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ có thể báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: "Chúng ta cần có những ưu đãi mới, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác". Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Hoa cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Đề xuất với Quốc hội sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn một luật sửa nhiều luật và kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến để kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành những chính sách mới, có tính chất đột phá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Thậm chí, có thể nghiên cứu triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội để sửa đổi kịp thời các luật nêu trên.
Thông tin làm rõ thêm về những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới trên tinh thần quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50. Tận dụng cơ hội về vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, được quốc tế quan tâm nhưng vẫn duy trì được các kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư". Ảnh: Quochoi.vn |
Nhìn nhận Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự đồng tình với vấn đề được các đại biểu đề cập. Đó là để đón nhận được làn sóng đầu tư mới này, nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn có rất nhiều việc cần phải làm, nhất là việc cải cách mạnh mẽ thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện như về hạ tầng, về đất đai, về lao động, về năng lượng, về quy hoạch.
Chính sách phải ổn định nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời. Cùng với đó cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo đó thì những dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và được tham gia vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng chuỗi giá trị. Đồng thời cũng cần phải xem các nhà đầu tư cần gì để trao đổi, hợp tác, đáp ứng được các điều kiện mà họ mong muốn, mang lại những lợi ích cho cả 2 phía. “Trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để thu hút dòng đầu tư này thì Việt Nam cần phải có các chính sách ưu đãi kịp thời, mang tính cạnh tranh hơn để đảm bảo thu hút được đầu tư có chọn lọc như chúng ta mong muốn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để thu hút được các doanh nghiệp FDI bằng mọi giá, nhất là những dự án mà ảnh hưởng công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động, nhiều tài nguyên, nhiều năng lượng…”, Bộ trưởng nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại