Thứ năm 25/04/2024 14:06
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Các vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Năm 2021 là năm TAND hai cấp TP Hà Nội thụ lý giải quyết lượng án lớn. Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được xét xử kịp thời. Điển hình như: vụ án Vũ Huy Hoàng; vụ án Phan Văn Anh Vũ..."- Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh trong báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI.
Các vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: "TAND hai cấp TP Hà Nội đã giải quyết được 27.513 vụ việc các loại, trong đó có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm". Ảnh: Thanh Hải

Sáng 7-12, báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI về công tác xét xử năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác triệu tập đương sự gặp nhiều khó khăn, nhiều đương sự xin hoãn phiên tòa, phiên làm việc với lý do ở vùng dịch hoặc thuộc diện bị cách ly; nhiều thời điểm, TAND hai cấp TP Hà Nội phải tạm dừng việc triệu tập đương sự, việc tổ chức xét xử để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của T.Ư và TP.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, TAND hai cấp TP Hà Nội đã giải quyết được 27.513 vụ việc các loại, trong đó có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại T.Ư và TP khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Trong đó, điển hình như: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ; Vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí PV Trans và Ngân hàng Oceanbank; Vụ án “Vi phạm quy định về quản sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí;

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO); Vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Gần đây nhất là vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh bị truy tố về tội “Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ”.

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo sự công bằng của pháp luật, có tác dụng cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Đặc biệt, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, một số bị cáo lúc đầu không nhận tội nhưng sau đó đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, vận động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt, điển hình như vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh. Qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Duy Linh đã thay đổi thái độ từ chối tội sang thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo Nguyễn Duy Linh đã vận động gia đình bị cáo khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt là 5 tỷ đồng.

Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, các đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội đã triển khai thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021).

Đây là quy định mới của pháp luật, dẫn đến quy trình xử lý đơn khởi kiện có nhiều thay đổi, nhưng các đơn vị đều đã khẩn trương hoàn thiện cơ sở vật chất, tuyển chọn hòa giải viên, nghiên cứu kỹ quy định của Luật và các văn bản có liên quan, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật đến các cá nhân và tổ chức, từ đó đẩy mạnh hoạt động hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý hồ sơ vụ việc.

“Tới đây, TAND TP Hà Nội tiếp tục được giao giải quyết, xét xử các vụ án lớn, như vụ án xảy ra tại Bộ Y tế, một số vụ án xảy ra tại các tỉnh, TP khác ngoài Hà Nội” - Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thông tin.

Cử tri kiến nghị thu hồi dự án chậm triển khai để xây bệnh viện, trường học
Hồng Thái
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động