Các nạn nhân bị dẫn dắt làm nhiệm vụ online để rồi bị lừa cả trăm triệu như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTin nhắn của chị N và nhóm lừa đảo. |
Nguồn cơn từ việc cần kiếm thêm thu nhập
Theo đó, Công an quận Nam Từ Liêm nhận được đơn trình báo của chị N.T.N (trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên online.
Theo nội dung đơn trình báo, đầu tháng 2/2023, do có nhu cầu kiếm thêm thu nhập, chị N đã lên mạng xã hội để tìm kiếm việc làm thêm và qua đó xem được thông tin tuyển “cộng tác viên thu âm lồng tiếng online tại nhà”.
Chị N cho biết sau khi liên hệ theo hướng dẫn, người đăng tin đã để lại số điện thoại để chị tiếp cận với một người khác tự xưng là tư vấn viên "Mai Cúc”.
Tư vấn viên "Mai Cúc" này sau đó yêu cầu chị N thử giọng, lập tài khoản Telegram, kết nối với một người tên “Nguyễn Tiến Đạt” và một điều phối viên xác nhận tên là “Thành” dẫn dắt chị bước vào vòng 1 để “làm nhiệm vụ”.
Tại đây, chị N với khoảng 100 ứng viên thực hiện 2 công việc: Một là thu âm các bài viết ngắn; Hai là đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm, nhằm quảng cáo cho nhà tài trợ.
Các nạn nhân được tư vấn viên “Nguyễn Tiến Đạt” dẫn dụ bằng nhiệm vụ đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm, lợi nhuận khi hoàn thành mỗi nhiệm vụ sẽ được nhận thưởng từ 10-15% giá trị sản phẩm, nhưng với điều kiện phải nộp ứng tiền trước (tương ứng giá trị sản phẩm) vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Với trường hợp chị N, tại vòng 1, ngày 2/2, theo hướng dẫn của tư vấn viên, chị N đã thực hiện một số công việc liên quan đến thu âm, lồng tiếng.
Lúc đầu, chỉ cần gửi bài thu âm, chị N đã được nhận thù lao từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng khiến chị N rất tin tưởng.
Các nạn nhân lần lượt bị dắt vào "tròng"
Sau khi hoàn thành vòng 1, chị N bước vào vòng 2, nhưng lúc này nhiệm vụ của chị N không còn liên quan đến thu âm, lồng tiếng nữa mà là đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm cho “nhà tài trợ". Và vòng xoáy yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyển khoản ứng trước tiền sản phẩm bắt đầu.
Đầu tiên, các đối tượng này yêu cầu chị N nộp vài triệu đồng vào số tài khoản mà bọn chúng cung cấp. Nhưng sau khi xong nhiệm vụ, chị N không nhận lại được số tiền đã chuyển và % thưởng hoa hồng như trước đó.
Mỗi khi chị N nhắn yêu cầu tất toán số tiền đã chuyển và hoa hồng thì “hệ thống” của các đối tượng đưa ra một "Thông báo khẩn cấp" cho biết "Hệ thống tất toán thất bại" hay "tạm thời giam toàn bộ số tiền thành viên” với lý do soạn tin không đúng cú pháp và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ mới, “sửa lỗi” rồi mới nhận lại được tiền.
Do lo sợ mất số tiền gốc, chị N tiếp tục chuyển tiền nhưng điều chị nhận được chỉ là thông báo soạn tin không đúng cú pháp, điểm tín nhiệm thấp... để bọn chúng tiếp tục “tạm thời giam toàn bộ số tiền thành viên” của chị.
Cho đến khi số tiền hơn 100 triệu đồng chị chuyển khoản cho các đối tượng có nguy cơ mất trắng, chị N mới phát hiện mình bị lừa.
Cần cảnh giác trước các lời mời chào online
Theo chỉ huy Công an quận Nam Từ Liêm, trong các vụ lừa đảo trên không gian mạng, đối tượng bị lừa đảo đa phần là nữ giới, chủ yếu là những phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ, không có việc làm ổn định, đang chăm con nhỏ nhưng nhẹ dạ, cả tin lại thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, muốn tìm kiếm thu nhập cao nên dễ dàng bị sập bẫy.
Những trường hợp như chị N chỉ là một trong số nhiều nạn nhân của thủ đoạn thực hiện "nhiệm vụ online" tại nhà hưởng hoa hồng của các đối tượng lừa đảo trên mạng.
Sau khi lừa đảo, kẻ xấu sẽ chặn toàn bộ liên lạc rồi biến mất. Mà kênh liên lạc chúng sử dụng thường là nền tảng gửi tin nhắn Telegram. Ở nền tảng mạng xã hội này, có thể tự động xóa toàn bộ lịch sử tin nhắn từ cả 2 phía sau khi lừa đảo, không lưu lại bằng chứng và rất khó truy vết tài khoản.
Cơ quan Công an khuyến cáo những người dùng mạng xã hội, nhất là chị em phụ nữ hãy cảnh giác trước những lời chào mời việc làm online, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng, bởi đó rất có thể là “miếng mồi ngon” để các đối tượng lừa đảo dẫn dụ chị em nhẹ dạ, cả tin sập bẫy.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại