Thứ hai 25/11/2024 05:52

Các hành vi bị cấm liên quan đến internet và mạng xã hội - Xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những năm trở lại đây, internet, mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho “công dân toàn cầu” tự do kết nối và chia sẻ nên ạng xã hội đang ngày càng có những tác động sâu rộng tới mọi mặt trong cuộc sống...

Phát ngôn gây thù hận (hate speech) đang là vấn đề gây đau đầu cho nhiều chính phủ trên thế giới. Theo Ủy ban châu Âu (EC), có thể hiểu “hate speech” gồm các hình thức phát ngôn gieo rắc hoặc ủng hộ sự thù hận sắc tộc, bài ngoại, cũng như những phát ngôn sỉ nhục, kỳ thị do thiếu khoan dung đối với sự khác biệt. Từ đó có thể hiểu, phát ngôn gây thù hận là phát ngôn mang nội dung phỉ báng một người hoặc nhóm người nào đó với mục đích chủ yếu là gieo rắc thù hận, sự căm ghét, thúc đẩy hành vi bạo lực vì những lý do liên quan tôn giáo, sắc tộc, giới tính,... và là tác nhân ảnh hưởng rất nguy hiểm đến an toàn xã hội.

Ông C.Wolf (tác giả cuốn sách Viral hate: containing its spread on the internet, tạm dịch: Kiểm soát sự thù hận lan truyền trên mạng) mới công bố một số liệu điều tra khiến nhiều người phải giật mình, đó là: “Mỗi phút trên có khoảng 500 website mới, 300 nghìn tweet (mẩu tin nhỏ), 40 nghìn cập nhật trạng thái facebook, 600 giờ nội dung youTube được post lên.

Trong đó nhiều nội dung, hình ảnh, bình luận, video chứa đầy những phát ngôn khơi gợi sự thù hận... nhằm đe dọa, quấy rối (thường nhắm vào những người thuộc nhóm thiểu số), chiêu mộ và khuyến khích những người có thái độ căm ghét tương tự, thậm chí xúi giục tấn công người khác ngoài đời thực. Sự thù hận trên mạng còn hơn cả “ô nhiễm”, nó ảnh hưởng tới con người rất nghiêm trọng”. Trước vấn đề này, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề trẻ em và bình đẳng của Na Uy S.Horne khẳng định: “Phát ngôn thù hận chính là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận, vì nó nhằm vào các nhóm yếu thế như người có khuyết tật, người đồng tính, chuyển giới hay các nhóm thiểu số khác.

cac hanh vi bi cam lien quan den internet va mang xa hoi xa hoi

ẢNH MINH HỌA

Con số hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm khoảng 37% dân số) cho thấy Việt Nam đang có tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội cao so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 31%. Tuy nhiên, theo kết quả từ Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), 78% số người được hỏi đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, hoặc có biết những trường hợp tương tự.

Cũng theo nghiên cứu của VPIS, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)… Thực tế cho thấy, với không ít người, sự thù ghét với tính cách là nhu cầu tiêu cực của cá nhân thể hiện qua phát ngôn gây thù ghét đã được internet tạo cơ hội để phóng chiếu một cách tùy tiện, nhất là từ khi mạng xã hội phát triển thì điều này có xu hướng ngày càng tệ hại và không được kiểm soát.

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966), tại khoản 2, Điều 20 nêu rõ: “Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm”. Tháng 6-2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký thỏa thuận với các Cty công nghệ lớn nhằm ngăn chặn sự lan rộng của những phát ngôn có tính chất khơi gợi sự thù hận đang ngày càng nhiều trên mạng.

Theo đó, EC cùng với facebook, twitter, youTube và Microsoft cùng công bố quy chuẩn ứng xử gồm hàng loạt cam kết ngăn chặn sự phát tán của phát ngôn thù hận trên mạng. Một trong các điều kiện mà EC đưa ra là những phát ngôn mang tính tiêu cực phải được facebook, twitter, youTube xóa bỏ khỏi mạng xã hội trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo. Đồng thời EC cho rằng, mỗi quốc gia cũng cần đưa ra các đạo luật nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những phát ngôn đi quá giới hạn vì chúng bị coi là “lạm dụng” quyền tự do ngôn luận.

Như tại Pháp, pháp luật quy định rất rõ việc cấm các phát ngôn thù hận, tấn công “tinh thần” cá nhân; thí dụ: hành vi xúc phạm người khác tại nơi công cộng liên quan đến chủng tộc, giới tính, đồng tính, hay người khuyết tật có thể bị phạt tới 6 tháng tù và 22.500 euro. CHLB Đức cũng ủng hộ các quy chuẩn ứng xử của EC bằng cách hợp tác với facebook để gỡ bỏ thông tin độc hại mang tính chất phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Chính phủ nước này đã thông qua điều luật bất cứ mạng xã hội nào không gỡ bỏ các tin giả, phát ngôn gây thù ghét hay các thông tin bất hợp pháp khác sẽ nhận hình phạt lên tới 50 triệu euro. Vừa qua, Quốc hội Nhật Bản cũng vừa thông qua luật ngăn chặn phát ngôn thù hận (bao gồm sự bôi nhọ hoặc đe dọa người khác trên mạng xã hội)…

Trước nạn “hate speech” trên mạng xã hội, Việt Nam đã có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tại khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b. Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c. Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

d. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Lâm Bình
PLXH
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động