Các hầm chui ở Hà Nội đã phát huy vai trò như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHầm chui qua nút Lê Văn Lương - Vành đai 3 góp phần giải tòa ùn tắc giao thông trên tuyến đường từng là “điểm nóng” ùn tắc một thời gian dài. Ảnh: Khánh Huy |
Hầm chui giải quyết xung đột giao thông
Những năm gần đây Hà nội đã xây dựng và khánh thành hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều hầm chui đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Đồng thời, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong đó, phải kể đến hầm chui đường Vành đai 3 - Đại lộ Thăng Long. Đây là nút giao thông quan trọng giao cắt giữa đường Vành đai 3 với điểm đầu Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Mỗi ống hầm có 3 làn xe cơ giới, chiều rộng 3,5m/làn với tổng kinh phí cho việc mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao này là 1.087 tỷ đồng. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m).
Hầm đường bộ tại nút giao thông Kim Liên -Đại Cồ Việt là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội có chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m, chiều cao trong hầm 6,25m. Trong tổng chiều dài hầm có 140m hầm kín, hầm hở dài 405m và 99m đường dẫn. Công trình được khởi công ngày 5/7/2006 khánh thành 16/6/2009. Hầm Kim Liên là hạng mục giao thông quan trọng của Hà Nội. Công trình đã giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn.
Hầm chui Thanh Xuân qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi có chiều dài 980m, được khởi công từ tháng 6/2014. Hầm chui Thanh Xuân được thi công song song với dự án đường sắt trên cao, hệ thống trụ đường sắt đi qua dải phân cách giữa ở hai ống hầm.
Cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và đường bộ, đây là nút giao 4 tầng đầu tiên tại Thủ đô. Hầm chui Thanh Xuân góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc kéo dài trong nhiều năm qua và xung đột giao thông từ các hướng Trần Phú, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến khi qua nút giao này.
Từ sau khi đưa vào sử dụng đến nay, hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với Đại lộ Thăng Long giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trên nút giao Vành đai 3 (Khuất Duy Tiến và Đại lộ Thăng Long).
Điều chỉnh quy hoạch thay đổi theo cho phù hợp
Sau khi hầm chui Lê Văn Lương đi vào hoạt động, nút giao thông tại đây có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại. Công trình hầm chui Lê Văn Lương nhằm giải quyết kịp thời tình trạng xung đột giao thông tại nút giao Vành đai 3 (Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu) đã tồn tại nhiều năm qua, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông của Thủ đô. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng vừa được khởi công ngày 6/10/2022 với tổng mức đầu tư xây dựng công trình gần 800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2025. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, tăng khả năng lưu thông của các phương tiện. Dự kiến dự án xây dựng hầm sẽ hoàn thành sau khoảng 30 tháng thi công.
Mới đây, UBND TP Hà Nội giao các đơn vị liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (vành đai 2) phía quận Long Biên. Dự kiến, tổng mức đầu tư xây hầm chui này khoảng 500 - 700 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2023 - 2024. Việc tính toán phương án xây dựng nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy nhằm giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thông xe.
Dự kiến, hầm chui được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy - Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm.
Chiều dài hầm được tính toán dài khoảng 500m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75m (tương đương 2 làn xe cơ giới mỗi chiều đường). Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng đường, gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.
Việc khẩn trương xây dựng và đưa vào khai thác các công trình hầm chui được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông tại nút giao có mật độ giao thông lớn, đồng thời từng bước hoàn chỉnh giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, tổ chức giao thông phải luôn linh hoạt, bắt kịp biến động thực tế. Đôi khi phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án để điều chỉnh ngay khi cần thiết.
“Đặc biệt với Hà Nội lúc này, trong khi phải chắt chiu, tính toán xây dựng từng công trình hầm chui nghìn tỷ, việc đưa vào sử dụng như thế nào cho hiệu quả, đáng đồng tiền bát gạo nhất là vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp giảm thiểu UTGT mà còn củng cố được niềm tin trong Nhân dân Thủ đô” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Thạc sĩ bộ ngành cầu hầm vào đô thị Nguyễn Đình Chiển nhận định, với những đô thị đông dân cư, lượng phương tiện lớn, quỹ đất lại eo hẹp như Hà Nội, mở đường đi ngầm và trên cao là biện pháp khả thi nhất để tăng cường hạ tầng giao thông. “Các hầm chui không chỉ có tác dụng giải quyết xung đột giao thông cho một nút giao mà còn tạo điều kiện cho công tác tổ chức, điều tiết giao thông của cả một khu vực, một trục chính đô thị” - ông Nguyễn Đình Chiển nói. |
Chính thức khánh thành hầm chui Lê Văn Lương | |
Giúp giảm thiểu xung đột giữa các dòng phương tiện | |
Giải pháp góp phần thay đổi bộ mặt đô thị |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại