Thứ bảy 04/05/2024 22:37

Cá nhân vay nợ để xây dựng đền Mẫu Thoải phường Ngọc Thụy?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Nguyễn Thị Lệ Dung cho biết đã ra đền Mẫu Thoải thuộc phường Ngọc Thụy trông coi từ năm 1996 đến nay. Bà xây dựng đền Mẫu bằng tiền công đức của mọi người và vay nợ rồi trả dần.
Khu vực người dân phản ánh bà Dung xây lấn lên hành lang bảo vệ đê sông Hồng
Khu vực người dân phản ánh bà Dung xây lấn lên hành lang bảo vệ đê sông Hồng

Cần minh bạch trong thu chi ở đền Mẫu

Một số người dân ở tổ dân phố số 10, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội phản ánh về việc bà Nguyễn Thị Lệ Dung, thủ nhang đền Mẫu Thoải khoảng 25 năm qua đã có nhiều việc khiến người dân trong khu vực không hài lòng, không minh bạch trong thu chi, biến đền Mẫu là tài sản chung của cộng đồng dân cư thành một mình bà quản lý,...

Cụ thể, bà Dung có hành vi lấn chiếm gần 400m2 đất sát với đền Mẫu, tự ý xây dựng không phép các công trình như tường bao quanh, nhà cho thuê nhưng không bị chính quyền xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Phần đất xây dựng đã lấn vào hành lang bảo vệ đê sông Hồng. Việc xây dựng hoặc cải tạo đền cộng đồng dân cư không được tham gia góp ý hay bàn bạc, chi phí xây dựng thế nào, hết bao nhiêu cũng không ai nắm được.

Bên cạnh đó, do có thời gian dài ở đền Mẫu nên bà Dung đã tự ý kinh doanh, cho thuê kiot bán hàng và thu lợi từ hoạt động tín ngưỡng tại đền. Các khoản thu chi tại đền, mọi người công đức, chi phí cúng, lễ mỗi lần 4.000.000 đồng ở đền mẫu do một mình bà Dung tự ý sử dụng. Nguồn thu từ các hoạt động đến cúng lễ ở đền hàng năm lên tới gần 10 tỷ đồng nhưng không được công khai, minh bạch. Việc quản lý và kinh doanh của bà không chịu bất kỳ quản lý và giám sát của chính quyền sở tại.

Liên quan đến phản ánh trên, bà Nguyễn Thị Lệ Dung, thủ nhang đền Mẫu Thoải cho biết, bà ra trông coi, xây dựng đền từ năm 1996 đến nay. Thời điểm đầu, đền có một cung Mẫu nhỏ hẹp, lụp xụp. Sau đó, bằng công sức, trí tuệ, bà Dung bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên cho đến nay khoảng 25 năm. Chi phí xây dựng một phần do người dân công đức, một phần do bà đi vay rồi tự trả bởi từ trước đến nay chính quyền không hỗ trợ kinh phí xây dựng. Hiện tại, bà còn nợ khoảng 14 tỷ đồng.

Bà Dung cho biết thêm, về mặt thu chi, những người có căn quả đến đền trình đồng đều phải mất phí, sắm đàn lễ, mỗi người bà thu từ 4.000.000 đồng/lần. Trong đó, nếu tiền bỏ hòm công đức thì hàng tháng bà mời đại diện hội quy phật tử và đội dâng hương, ban quản lý ra đếm, ghi vào sổ. Mỗi lần xây dựng, mọi người công đức cũng được ghi vào sổ để báo cáo, công khai. Bên cạnh đó, cũng có một số người đến cúng lễ, khi được việc đã biếu riêng bà. Do vay nợ xây đền nên đến cuối năm, ai ở gần bà sẽ đến nhà và ai ở xa bà sẽ gọi điện xem có cần tiền thì bà trả, bà vay chỗ nọ chỗ kia. Bà Dung từng ngỏ ý giao lại đền cho mọi người quản lý nhưng không ai nhận vì số nợ bà đã vay để xây đền.

Đền Mẫu của cộng đồng dân cư

Năm 2020, đền Mẫu Thoải đã được UBND quận Long Biên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư, tổ dân phố số 8, 9, 10, đền có diện tích là 3.182,4m2. Anh Hoàng Đức Tùng, cán bộ văn hóa phường Ngọc Thụy cho biết, ngày 11-8-2020, phường đã ra quyết định công nhận tiểu ban quản lý di tích cụm Trung Hà - Bắc Biên gồm 13 người, trong đó bà Dung là thủ nhang. Đền Mẫu Thoải là cơ sở tín ngưỡng chưa được công nhận di tích lịch sử nên khi đầu tư sẽ không có nguồn của quận và thành phố mà chủ yếu từ nguồn xã hội hóa tức là có tiền thì làm tiếp, cộng dồn lại qua các năm.

Về thu chi, hàng tháng đền sẽ mở hòm công đức có sự chứng kiến của ban quản lý di tích và lãnh đạo tổ dân phố sở tại. Trong tổng kết cuối năm, ngoài báo cáo hoạt động chung của di tích thì có thể công khai ở hội nghị nhân dân tại tổ dân phố. Lúc đó sẽ báo cáo về năm vừa qua di tích có hoạt động gì, tu sửa gì, tu sửa bao nhiêu, chi bao nhiêu,... Hiện nay, không có quy định cụ thể trong việc hướng dẫn ủy ban hay các cơ quan quản lý nguồn công đức, rất khó trong việc quản lý nguồn thu, nguồn chi của các đơn vị.

Về nội quy hoạt động, giờ mở cửa, đóng cửa,... ở đền Mẫu do một mình bà Dung quyết, anh Tùng cho hay, trước kia thì đền có nội quy ra vào, giờ mở cửa, kể cả quy định nét sống văn minh nơi thờ tự, ... Tuy nhiên, có thể do sửa chữa hoặc mọi người chưa nhìn thấy hoặc để chỗ nào khác hoặc trong quá trình tu sửa chưa treo lên hoặc do mưa gió có thể rơi xuống,... phường sẽ kiểm tra và yêu cầu đền hoàn thiện lại.

Anh Lê Anh Tuấn, thanh tra xây dựng phường Ngọc Thụy thông tin, diện tích nhân dân phản ánh lấn chiếm vẫn nằm trong diện tích được cấp sổ đỏ của đền. Phường đã tiếp nhận thông tin về việc đền Mẫu Thoải thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng và đã cho các phòng ban chuyên môn, công an vào cuộc để kiểm tra, xem xét, giám sát và đang trong quá trình kiểm tra, rà soát lại. Chính quyền địa phương rất lúng túng bởi không có hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong việc quản lý di tích này. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thuần, Trưởng tiểu ban quản lý di tích cụm Trung Hà - Bắc Biên cho biết, tiểu ban chỉ quản lý chung về mặt tinh thần, không quản lý về mặt kinh tế, thu chi ở đền Mẫu Thoải.

Luật sư Lê Hồng Huấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, năm 2020 phường công nhận tiểu ban quản lý di tích cụm Trung Hà - Bắc Biên, vậy các năm trước có không? Nếu có thì có quy chế hoạt động và quy chế thu chi không? Đây là ngôi đền của cộng đồng dân cư, vì vậy việc thu chi cần phải có sự giám sát của tiểu ban quản lý và chính quyền địa phương, nhân dân. Nếu để một cá nhân tự thu chi sẽ không khách quan và có thể dẫn đến thất thoát hoặc lạm dụng nhằm mục đích trục lợi.

Ngoài ra, việc xây dựng và tôn tạo đền cũng cần có sự cho phép của chính quyền căn cứ trên quy định của pháp luật. Một mình bà Dung tự ý đứng ra vay tiền để xây dựng sẽ không phù hợp với quy định pháp luật và không đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động xây dựng. Bà Dung nói là tự vay tiền cá nhân để xây dựng thì cần phải có căn cứ chứng minh về số tiền vay là bao nhiêu? Vay của ai? Tiền vay để làm gì? Nếu vay để chi trả việc xây dựng thì tài liệu nào chứng minh cho việc sử dụng tiền vay vào việc xây dựng? Không thể chỉ căn cứ trên lời nói của cá nhân để khẳng định việc vay tiền và sử dụng tiền vay vào việc xây dựng.

Luật sư Huấn cho rằng, để đảm bảo đúng quy định pháp luật và tránh những mâu thuẫn xảy ra, ban quản lý đền Mẫu Thoải cần phải được bầu công khai, minh bạch nhằm tìm được những cá nhân uy tín đảm bảo việc quản lý ngôi đền lâu dài và có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động