Thứ bảy 20/04/2024 18:55

Bộ Y tế: Chưa nên coi dịch Covid-19 là "bệnh lưu hành"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của vi-rút SARS-CoV-2...
Bộ Y tế: Chưa nên coi dịch Covid-19 là "bệnh lưu hành"
Ảnh minh hoạ

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022 diễn ra ngày 3-3, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới, trong đó giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Liên quan tới nội dung về “bệnh đặc hữu”, Bộ Y tế cho biết: Bệnh lưu hành, hay một số chuyên gia còn gọi là “bệnh đặc hữu” là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Bệnh lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như sau: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của vi-rút SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày, cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh Dại hoặc Sốt xuất huyết, Sởi )là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam).

Hiện nay, các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành (endemic). Về vấn đề này, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Cụ thể, trong nước, vi-rút SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố, tuy vậy dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”.

Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đo và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây.

Vi-rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” khi thời điểm thích hợp.

Theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, có nhiều kịch bản khác nhau về cách đại dịch có thể diễn ra và cách mà giai đoạn cấp tính có thể kết thúc nhưng còn quá sớm để cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc đại dịch sắp kết thúc. Mỗi quốc gia ở trong một tình trạng riêng và phải vạch ra con đường thoát khỏi giai đoạn cấp tính của đại dịch bằng một cách tiếp cận thận trọng, từng bước.

Điều cần thiết bây giờ là sử dụng tất cả các công cụ hiện có để kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Ở cấp độ cá nhân, mỗi người phải thực hiện tất cả: tự bảo vệ mình bằng cách tiêm chủng, giữ khoảng cách an toàn, tránh nơi đông người, đeo khẩu trang, giữ cho không gian trong nhà được thông thoáng, rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho và hắt hơi. "WHO tiếp tục làm việc trong phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu để cung cấp bằng chứng, chiến lược, công cụ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật và vận hành mà các quốc gia cần để chấm dứt đại dịch", TS. Kidong Park cho biết.

Thống kê cho thấy, từ ca nhiễm đầu tiên đến nay, cả nước đã ghi nhận 4.059.262 ca mắc; 2.589.436 người đã khỏi bệnh (63,8%); 40.609 ca tử vong. So với tháng 1, trong tháng 2 số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9%; số ca tử vong giảm 47,1%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%; số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).

Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2-2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động