Thứ hai 25/11/2024 18:26

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về những tồn tại trong ngành giáo dục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề nóng dư luận quan tâm. Đã có tới hơn 80 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế

Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành về những vấn đề chưa làm được.

"Ngành Giáo dục với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước và 1,4 triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có ảnh hưởng, liên quan mọi người, mọi nhà. Ý thức được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân ngành Giáo dục đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, Nghị quyết về đổi mới Sách giáo khoa và các nghị quyết, nghị định khác. Trong thời gian qua, ngành với nhiều nỗ lực, ngành có những kết quả bước đầu, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nước nhà.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn cần có thời gian để phát huy kết quả đổi mới. Bản thân ngành Giáo dục còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Trong thời gian qua, còn nhiều việc hạn chế tồn tại gây bức xúc dư luận, nhiều vấn đề chưa đáp ứng kì vọng của nhân dân. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm và có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các vấn đề”, Bộ trưởng nói.

bo truong phung xuan nha nhan trach nhiem ve nhung ton tai trong nganh giao duc
Đã có tới hơn 80 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quochoi.vn

Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho biết: “Bộ trưởng có nói giáo dục mầm non của chúng ta được Unicef đánh giá cao, tuy nhiên thực tế chất lượng giáo dục mầm non hiện còn nhiều bất cập. Đó Quy mô phát triển không đồng đều các vùng miền, nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non thấp. Tỷ lê chi cho giáo dục mầm non còn ít…”

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp giải quyết các vấn đề của giáo dục mầm non hiện nay.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận ý kiến của đại biểu là đúng. Giáo dục mầm non tuy được quan tâm nhưng chất lượng kém. Nhiều cơ sở mầm non hiên nay chưa được chu đáo, nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất. “Tôi thấy đây là vấn đề cần giải quyết và đã tham mưu Chính phủ, vừa rồi Nghị định 06, quyết định xây dựng môi trường an toàn thân thiện chống bạo lực cho trẻ”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thông tin hệ thống pháp lý cơ bản có, quan trọng là khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội như phụ nữ, mặt trận, phường xã giám sát, cùng đồng hành với ngành giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính. Quan điểm là phòng ngừa hơn là việc xử lý. Mong địa phương trực tiếp hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ để không tạo áp lực.

Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ

Trước chất vấn về các vi phạm đạo đức nhà giáo ngày càng nhiều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động”.

Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ. Những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục...

Giải pháp cho tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề…

Tham gia ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Những trường hợp xuống cấp đạo đức vừa qua là cá biệt không phải phổ biến, đừng nhìn vào đó để đánh giá sự xuống cấp của cả ngành giáo dục”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng các đại biểu mong muốn cả hệ thống chính trị xã hội, các ngành các cấp phải vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. “Các cơ sở giáo dục để xảy ra sự việc đều có địa chỉ cụ thể. Vậy xảy ra những việc như vậy, trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành ở đâu hay phải đợi đến khi phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý. Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bệnh thành tích không phải bây giờ mới có, ngành cũng “nói không với bệnh thành tích” nhưng quá trình thực hiện còn liên quan đến yếu tố văn hóa, thói quen.

Ngành đã có có văn bản hướng dẫn các sở bỏ rất nhiều cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích. Những thầy cô nào có sáng tạo sẽ được khuyến khích, biểu dương chứ không đăng ký thành tích.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động