Bộ Nội vụ đã tham mưu, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 bộ, ngành
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: "Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 bộ, ngành". |
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 bộ, ngành
Tại Họp báo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, đề án về các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ.
Cụ thể: Lĩnh vực tổ chức, biên chế; công chức, viên chức; chính quyền địa phương; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ; công tác tôn giáo… Đặc biệt, đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6; trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình 2 kỳ họp.
Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng Chính phủ các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 bộ, ngành.
Bộ trưởng chia sẻ, hết năm 2021, về tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đã giảm 561 xã, 8 huyện, 2.099 phòng và tương đương phòng cấp tỉnh, cấp huyện. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ngay khi có kết quả sắp xếp, Bộ Nội vụ sẽ công khai trên các phương tiện thông tin, báo chí.
Bộ cũng tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang Bộ theo tinh thần những đơn vị phục vụ trực tiếp nhiệm vụ quản lý nhà nước thì giữ lại, các đơn vị khác có thể phân cấp cho địa phương hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ. Khó khăn lớn nhất là nhận thức và đồng thuận.
Trong khi đó, về quản lý công chức, viên chức cũng là vấn đề nóng bỏng, do đó, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và cắt giảm các loại chứng chỉ như bỏ chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ, các loại chứng chỉ bồi dưỡng khác…
Phân cấp về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, thăng hạng, Bộ Nội vụ chỉ chủ trì thi nâng ngạch, thăng hạng lên chuyên viên cao cấp để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đang đề nghị các bộ ngành địa phương thực hiện tốt Nghị định số 89 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Với lĩnh vực cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Tham mưu Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đánh giá kết quả CCHC năm 2021 và ban hành Kế hoạch hoạt động CCHC năm 2022, Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022.
Tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2021) năm 2021 của các bộ, các địa phương. Theo đó, chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37% tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,72%); Chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020 (85,48%).
Thông qua đó, đã thấy được những tác động rõ nét về công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính được nâng lên.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022 và năm 2021 là sự nỗ lực vượt bậc của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ. Đạt được những kết quả đó là sự chia sẻ, đồng hành của các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương.
Các bài viết có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền tải thông điệp tích cực, đổi mới, kịp thời; báo chí đã dành sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong mọi tầng lớp Nhân dân, đóng góp to lớn vào kết quả đạt được của Bộ Nội vụ.
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) trả lời tại cuộc họp báo. |
Dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Tại Họp báo, trả lời câu hỏi của PV xung quanh dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, các Bộ, ngành đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian.
Tổng Cục nào sau đánh giá cho thấy cần tổ chức lại để giảm cấp trung gian thì các bộ ngành đều đã xây dựng phương án, sau đó Bộ Nội vụ có ý kiến và tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Ông Nam cho hay, hiện nay Bộ Giao thông vận tải vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án, chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Ban chỉ đạo và nhấn mạnh 3 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020 của Chính phủ.
Đối chiếu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.
Cũng theo ông Nam, đường quốc lộ, đường cao tốc là huyết mạch giao thông, có sự quan tâm quản lý tập trung tương đối đồng bộ và thống nhất trên cả nước. Nhưng bên cạnh đó còn có hệ thống tỉnh lộ và huyện lộ đang được Chính phủ tính tới đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tham gia quản lý, bảo trì, giải phóng mặt bằng, đầu tư...
"Khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có ý kiến băn khoăn về việc có chồng chéo hay không? Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất. Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý" – lời ông Nam.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm, việc sắp xếp là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần giảm các đầu mối trung gian, tầng nấc. Do đó, với những đơn vị không đảm bảo tiêu chí của tổng cục, trừ trường hợp đặc biệt thì sẽ sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ | |
Tuyên truyền cho cán bộ công đoàn cơ sở về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước | |
Đề xuất lương khởi điểm của bác sỹ cao hơn mức thông thường |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại