Bộ GD&ĐT: Sách giáo khoa bậc tiểu học không lãng phí, được xây dựng để sử dụng lâu dài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều ý kiến cho rằng hiện nay hoạt động in sách giáo khoa bậc tiểu học đang phức tạp, gây lãng phí và khó khăn cho người học (ảnh minh họa) |
Trước đó, cử tri tỉnh Bắc Giang đã nêu kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét việc in sách giáo khoa và chỉ đạo chương trình dạy học cho học sinh tiểu học hiện nay nhiều nội dung chưa phù hợp, lãng phí. Mỗi trường chọn dạy một loại sách nên khi học sinh phải chuyển trường sẽ rất khó khăn trong học tập vì chương trình không giống nhau. Các bài tập cho học sinh làm trực tiếp vào sách giáo khoa nên học sinh năm sau không sử dụng được nên dù sách vẫn mới... gây lãng phí.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã quy định chương trình và sách giáo khoa: Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Theo đó quy định: Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục. Sách giáo khoa được biên soạn để sử dụng lâu dài, nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa).
Thực hiện chủ trương trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 của 04 nhà xuất bản (NXB) (năm 2019); danh mục sách giáo khoa lớp 2 của 5 NXB (năm 2020) và danh mục sách giáo khoa lớp 3 của 6 Nhà xuất bản (năm 2021) và hiện nay đang thẩm định sách giáo khoa lớp 4 của 6 Nhà xuất bản (năm 2022).
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương tổ chức thực hiện lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, bảo đảm tính ổn định, sử dụng lâu dài, tiết kiệm, tránh gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại