Bộ GD&ĐT giải đáp những vấn đề nóng về lọt đề Toán và phương án với thí sinh F0
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKỳ thi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng
Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh tại một số địa phương hết sức phức tạp. Với sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy định, kế hoạch tổ chức kỳ thi.
Kỳ thi được tổ chức với những mục đích chính là: Một là làm cơ sở xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các em học sinh sau 12 năm học phổ thông. Hai là căn cứ điểm thi giúp điều chỉnh việc dạy và học tại các địa phương và ba là kết quả thi làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ.
“Năm nay, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quy chế thi được phổ biến đến từng địa điểm thi, nên tỷ lệ giáo viên và học sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều lần” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
|
Theo đó, năm 2021, số lượng thí sinh bị đình chỉ là 18 em (con số này ở năm 2020 là 38, năm 2019 là 71). Như vậy số lượng bị đình chỉ giảm mạnh. Những năm tới cần làm tốt hơn nữa để con số này về 0.
Sự quan tâm của các Sở ngành đối với kỳ thi rất đáng ghi nhận, để không có một thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến tham dự kỳ thi.
Đánh giá về những bài học để tổ chức tốt kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đó là: Sự quan tâm của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đến kỳ thi; Sự đồng thuận của Nhân dân đối với kỳ thi; Việc làm chủ tình hình (như đối với Bộ GD&ĐT thì đã hướng dẫn địa phương tổ chức thi trong những kịch bản, tình huống cụ thể, đề thi được chuẩn bị dày dặn hơn… ); Phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan hiệu quả như: Ngành công an, y tế, giao thông… Và quan trọng là luôn luôn đặt học sinh vào trung tâm của quá trình giáo dục và mọi hoạt động giáo dục.
Ứng xử các tình huống liên quan đến dịch bệnh của các địa phương rất chủ động
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng đánh giá sau khi kết thúc khâu coi thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm nay cho biết: Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức, với sự chủ động từ trước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực đặc biệt của 63 tỉnh, thành trên cả nước để việc tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, thành công.
Mỗi địa phương đều thành lập BCH cấp tỉnh, nhiều tỉnh có BCH cấp huyện, có sự phân công hợp lý, có sự giám sát, chỉ đạo chặt chẽ các công việc. Việc lên phương án phòng chống dịch Covid-19 là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận từ tất cả các địa phương.
Thể hiện ở mấy điểm: Tất cả các tỉnh lên phương án khả thi cho công tác phòng chống dịch: Tiêm vắc xin cho cán bộ giáo viên tham gia kỳ thi; xét nghiệm cho thí sinh và cán bộ… Tất cả các điểm thi có phòng thi dự phòng, đều có trang bị bộ phận thường trực y tế, khử khuẩn trường thi, trang bị khẩu trang, sát khuẩn, có phân luồng đường đi, làm tư tưởng để phụ huynh không tụ tập…
Đặc biệt ở các địa phương như TP. HCM, Phú Yên, Bắc Giang… khi xảy ra tình huống có F0 ứng xử chủ động. Các thí sinh F0 nhanh chóng được cách ly, F1, F2 lập tức giãn cách, hoặc được lưu lại trường thi, thi xong, các em đi cách ly tập trung.
Công tác thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, các tình huống phát sinh liên quan đến covid-19 được xử lý phù hợp, đã mang đến sự an tâm, đảm bảo an toàn cho các thí sinh.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao mỗi địa phương ứng xử khác nhau với tình huống có thi sinh F0, PGS.TS Mai Văn Trinh nói: "Chúng ta phải nhìn nhận rằng, ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại, thì phải chọn giải pháp tối ưu nhất cho thời điểm này mà thôi, chứ không có giải pháp chung, tốt nhất đối với tất cả các tỉnh, thành. Tuy nhiên, ứng xử của các địa phương khi có F0 theo đánh giá của tôi là chủ động, phù hợp với quy chế".
Đề thi môn Toán không lộ mà lọt do thí sinh mang điện thoại vào phòng thi
Về sự cố lọt đề thi toán ra bên ngoài, PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết: Ngay khi có thông tin, Bộ GD&ĐT và Bộ CA vào cuộc, tích cực quyết liệt điều tra vụ việc và xác định được thí sinh này. Thí sinh này vi phạm khi mang điện thoại di động vào phòng thi tại điểm thi THPT Lệ Thủy, Quảng Bình. Các đơn vị liên quan đang làm rõ căn cứ vào mức độ vi phạm cụ thể để xử lý.
|
“Còn về trách nhiệm của giáo viên coi thi tại trường hợp này thì chúng tôi có xử lý bước đầu: Giáo viên viết tường trình, đình chỉ công việc ở các môn thi tiếp theo. Sắp tới, đựa vào kết quả xác minh, trách nhiệm của giáo viên coi thi đến đâu sẽ xử lý đến đó” – PGS.TS Mai Văn Trinh nói.
Đảm bảo không có gian lận có tổ chức mọi khâu của kỳ thi
Về công việc trong thời gian tới, PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh. Các địa phương có rất nhiều việc cần làm.
Đối với công tác chấm thi: Bảo đảm an toàn tuyệt đối viêc lưu trữ bài thi (chấm trắc nghiệm phải làm rất chặt chẽ, đúng quy trình, chấm tự luận có thảo luận thang điểm). Đảm bảo công tác chấm thi chất lượng, nghiêm ngặt quy định phòng dịch và không để gian lận, nhất là gian lận có tổ chức trong tất cả các khâu của kỳ thi.
|
Đối với các thi sinh chưa thi, các địa phương cần làm chủ tình hình, nắm rõ con số thí sinh và bám sát diễn biến dịch bệnh để báo cáo Bộ, sớm tổ chức cho thí sinh cho đợt 2 để đảm bảo quyền lợi cho các em (trong đó kỳ thi tổ chức vào thời gian nào cũng phải đảm bảo an toàn, đề thi được chuẩn bị với độ khó tương đương.
Trong công tác tuyển sinh ĐH CĐ cũng được điều chỉnh để các em thi đợt sau cũng yên tâm , không phải thi sau mà mất quyền lợi xét tuyển so với các thi trước ) .
Đối với các F0 trong thời gian thi, Bộ cũng đã có hướng dẫn. Các em được chọn các phương án: Một à được đặc cách xét tốt nghiệp, hoặc đợt 2 đăng ký thi tiếp các môn thi còn chưa kịp hoàn thành. Kết quả của môn thi đợt 1 được sử dụng với đợt 2. Đây là cách giải quyết đặt quyền lợi của thí sinh lên trên.
Theo Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.021.340; trong đó, có 39.920 thí sinh tự do (chiếm tỷ lệ 3.91%), có 222.297 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT (chiếm tỷ lệ 21,77%), có 35.779 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh (chiếm tỷ lệ 3,51%), có 763.244 thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh (chiếm tỷ lệ 74.73%); số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 358.788 (chiếm 35.13%); số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 655.620 (chiếm 64.19%). Tổng số Điểm thi: 2233; tổng số phòng thi: 43.139. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn. Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 23.569 chiếm tỷ lệ 2.31%. Số thí sinh vi phạm Quy chế thi: 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại