Bỏ điều trị để dùng thuốc Nam, bé trai bị tràn dịch màng phổi, màng tim
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại BV Sản nhi Phú Thọ, bé S. 7 tuổi ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, bụng chướng to và phù toàn thân kèm theo tình trạng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim rất nặng nề.
Bệnh nhi được điều trị bằng liệu pháp corticoid đường uống kéo dài kết hợp với các thuốc điều trị hỗ trợ khác như lợi tiểu, truyền Albumin, bổ sung vitamin D, can-xi. Đồng thời gia đình cũng được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn riêng cũng như cách chăm sóc, vệ sinh cho trẻ.
Đến nay, sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã thuyên giảm phần nào nhưng các bác sĩ tiên lượng trẻ vẫn phải tiếp tục điều trị trong thời gian khá dài nữa mới có thể hoàn toàn ổn định.
Trước đó, vào tháng 4-2020, gia đình phát hiện cháu bé mắc hội chứng thận hư và đã đưa bé đến BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ điều trị. Sau đợt điều trị kéo dài khoảng 10 ngày, bệnh nhi ổn định và được cho xuất viện.
Thời điểm đó, sau khi trẻ xuất viện, các bác sỹ sẽ kê đơn thuốc uống tại nhà và yêu cầu theo dõi tái khám định kỳ. Tuy nhiên, do chủ quan, gia đình không cho trẻ uống thuốc theo phác đồ đã được hướng dẫn mà đưa bé đến thầy lang cắt thuốc Nam về uống.
Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của trẻ đã ổn định hơn nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị dài ngày (ảnh T.Tr) |
Về trường hợp bệnh nhân này, bác sỹ Trần Văn Vích, khoa Nội Nhi tổng hợp, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, trong điều trị hội chứng thận hư, một yêu cầu vô cùng quan trọng là phải theo dõi trẻ lâu dài và tuân thủ điều trị một cách chính xác. Với trường hợp của bệnh nhi S., nếu gia đình tuân thủ phác đồ điều trị của BV, cho trẻ uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đúng giờ, cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn cho trẻ là rất cao. Việc gia đình tự cho bé uống thuốc Nam dẫn đến tình trạng kháng thuốc, điều trị rất khó khăn ở giai đoạn tái phát.
Hội chứng thận hư là bệnh mạn tính thường gặp ở trẻ em, gây ra bởi sự phá hủy các mạch máu nhỏ trong thận (nhiệm vụ lọc chất thải) và sự dư thừa nước trong máu, gây ra sưng (phù), đặc biệt là ở bàn chân và mắt cá chân. Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu như phù, tăng cân nhanh, đi tiểu ít, cần đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những tai biến nặng nề đáng tiếc có thể gặp phải, các bác sỹ khuyến cáo.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại