Thứ hai 20/05/2024 16:24

Binh pháp Tôn Tử trong xây... nhà vệ sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Công khai, minh bạch vì số tiền dự toán của 14 nhà vệ sinh này đã được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra tới từng hạng mục cụ thể, với mức đề xuất khoảng 1,05 tỷ đồng/nhà vệ sinh bằng thép.


UBND TP Hà Nội vừa gửi văn bản hỏa tốc cho Sở Xây dựng TP, yêu cầu dừng xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng “dát vàng” mới được Ban quản lý chỉnh trang đô thị lập dự án, thỏa thuận vị trí tại các quận, huyện là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự quan tâm kịp thời, ráo riết của lãnh đạo TP đối với vấn đề sử dụng đồng tiền thuế dân đóng hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm và tránh lãng phí.

Công khai, minh bạch vì số tiền dự toán của 14 nhà vệ sinh này đã được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra tới từng hạng mục cụ thể, với mức đề xuất khoảng 1,05 tỷ đồng/nhà vệ sinh bằng thép.

Có người nói, tiết kiệm còn tốt hơn chống tham nhũng. Tuy nhiên, “đạt được mục đích mà không dùng đến một hòn tên mũi đạn mới là chiến lược thắng lợi trọn vẹn nhất trong mọi cuộc chiến” – trích Binh pháp Tôn Tử.

Mới đây, Sở GTVT TP HCM được UBND TP HCM giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện lắp đặt thí điểm 11 nhà vệ sinh công cộng “5 sao” kèm máy ATM. Những nhà vệ sinh này sẽ đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị và bố trí các mảng xanh che chắn xung quanh, đủ ánh sáng hoạt động 24/24g, thuận tiện cho việc tiếp cận và sử dụng của người dân. Chi phí đầu tư ước tính khoảng 800 triệu đồng/cái.

Điều khác biệt là, “Nhà nước không tốn đồng nào” và “khi đưa vào sử dụng sẽ miễn phí hoàn toàn vì là do các ngân hàng thương mại đầu tư toàn bộ”- trích lời của ông Bùi Xuân Cường, Phó GĐ Sở GTVT TP HCM. Các đơn vị này cũng phụ trách việc thuê nhân công lau chùi tại các nhà vệ sinh này và cả chi phí điện, nước.

Trước đây, đề xuất xây 14 nhà vệ sinh “dát vàng” ở Hà Nội cũng đã từng bị TP tuýt còi. Thế nhưng ngay sau khi được giao nhiệm vụ rà soát, Sở Xây dựng vẫn kiến nghị tiếp tục và đã bị yêu cầu dừng việc xây dựng gây nhiều tranh cãi này. Việc “thấy trước lãng phí tiền dân đóng” mà vẫn không có bước chuyển mới nào có lẽ xuất phát từ “những góc nhìn”.

Khi tiến hành xây dựng những công trình công cộng, nếu có thể vận dụng trí lực, sức lực và tài tực từ những nguồn xã hội hóa, phía cơ quan Nhà nước tập trung vào nhiệm vụ quản lý, có lẽ sẽ là một bước tiến nhỏ nhưng mang lại những “thắng lợi trọn vẹn”.

Anh Hùng

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động