Thứ bảy 20/04/2024 18:25

Biên tập viên làm tốt vai trò “Người gác cổng”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Báo in trong thời đại chuyển đổi số đã có rất nhiều thay đổi. Vai trò của Biên tập viên – vị trí “gác cổng” trong một tòa soạn báo cũng cần phải có những dịch chuyển để có thể thích ứng với phong cách làm báo mới. Những năm qua, với vai trò là Biên tập viên báo in Ban Pháp luật và Xã hội, tôi vẫn luôn làm mới bản thân mình cả về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ để xứng đáng với vai trò này và cũng luôn gìn giữ, trân quý những bài học trong chặng đường làm báo của mình.
BTV PL&XH tác nghiệp tại tòa soạn
BTV PL&XH tác nghiệp tại tòa soạn

Bản sắc riêng

Trong các loại hình báo chí hiện nay, báo điện tử là loại hình báo chí chiếm ưu thế cao hơn về tốc độ xử lý và nắm bắt các tin tức thời sự trong ngày. Mặc dù vậy, đối với tôi và chắc hẳn với rất nhiều người, báo in luôn có bản sắc rất riêng, không gì có thể trộn lẫn được.

Vấn đề chuyển đổi số trong báo chí ngày nay không chỉ là xu hướng nữa mà đã trở thành vấn đề sống còn của các đơn vị báo chí. Vai trò “người gác cổng” truyền thống cũng đã có những thay đổi để phù hợp với xu thế truyền thông mới. Cùng với mô hình tòa soạn hội tụ, nơi tích hợp tất cả các nền tảng truyền thông đã tạo ra cơ hội cho các tòa soạn trong việc tiếp cận công chúng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ người làm báo nói chung và những người BTV nói riêng.

Công việc của một BTV ở Ban Pháp luật và Xã hội lúc này không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và chỉnh sửa những lỗi chính tả, hành văn, ngữ nghĩa, lựa chọn những hình ảnh cho bài báo, giúp tác phẩm hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn.

Mà đã tích hợp thêm rất nhiều nhiệm vụ, “đa-zi-năng” hơn rất nhiều. Ngoài việc phối hợp với PV các phòng, ban để biên tập những tin tức chuyên sâu, những phóng sự chuyên đề, những vấn đề thời sự được bạn đọc quan tâm, chúng tôi cần phải phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công việc của mình.

Đối với những chuyên trang được giao phụ trách, BTV không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin và đưa tin, mà trong mớ thông tin hỗn loạn, phức tạp như hiện nay cần phải biết chọn lọc hợp lý, tổng hợp, đánh giá những thông tin quan trọng có giá trị thực sự, tổ hợp và sắp xếp một cách logic các thông tin ấy, từ đó cung cấp những bài phân tích, bình luận có giá trị đối với công chúng, giúp họ hiểu và nắm một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc hơn những sự kiện xảy ra trong xã hội.

BTV trong tòa soạn hội tụ của Ban Pháp luật và Xã hội không chỉ làm việc độc lập, đơn lẻ, mà chúng tôi còn cần sự kết nối với nhau hơn bao giờ hết, phát huy tối đa tinh thần cộng tác, làm việc theo nhóm, sức mạnh của tập thể sẽ tạo ra hiệu quả.

Và chúng tôi đã và đang thành công với không gian làm việc ảo, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid- 19 khi giãn cách xã hội, các số báo vẫn xuất bản thuận lợi và suôn sẻ. Điều này chứng tỏ, tay nghề của BTV đã nhanh nhẹn và nhạy bén hơn rất nhiều để đáp ứng với sự thay đổi của công việc.

Bài học “vỡ lòng” đắt giá

Không chỉ nắm vững kỹ năng biên tập, BTV trong tòa soạn hội tụ của Ban Pháp luật và Xã hội cũng cần phải chịu trách nhiệm với tin, bài mình biên tập từ khâu sửa lỗi chính tả, câu từ, hình ảnh trong bài cho đến bố cục, thiết kế kỹ thuật trên trang báo cho tới những công đoạn cuối cùng để cho ra một tờ báo hoàn chỉnh. Vì thế mà báo in Pháp luật và Xã hội mặc dù nằm trong xu thế chuyển đổi chung nhưng vẫn mang những bản sắc rất riêng.

Những tin, bài được biên tập luôn luôn bám sát tôn chỉ, mục đích của Ấn phẩm: “Cùng bạn đọc tiếp cận công lý”. Và đối với tôi, những bài học đầu tiên khi “chân ướt, chân ráo” vào nghề được truyền dạy từ nguyên Tổng biên tập Nguyễn Văn Bình từ cách hành văn, cách đặt câu sao cho gọn gàng đủ ý, cách dùng những từ “đắt giá” mà vẫn không phô trương, cách lựa chọn hình ảnh, câu từ sao cho không sáo rỗng, mà đầy tính nhân văn là những bài học “vỡ lòng” đắt giá nhất tôi làm hành trang cho mình trong suốt những năm tháng theo nghề.

Tôi vẫn nhớ có lúc sếp mình “đau đáu”, nâng bút lên, đặt bút xuống, gạch xóa trên tờ bông với cái tít chưa hài lòng. Tít của một bài báo vừa phải đảm bảo số chữ phù hợp, nội dung bao quát, khơi gợi sự tò mò cho độc giả nhưng không được mang tính “câu view”, phần sapo được ví như là một chiếc mũ. Người viết cần phải làm sao cho chiếc mũ ấy thật chỉn chu, gọn gàng, không dài lê thê mà phải tạo được sự thú vị và kích thích người đọc.

Ảnh trong bài không chỉ đạt yêu cầu về tính thẩm mỹ, chất lượng về kỹ thuật mà còn phải đặc biệt chú ý vấn đề nhân văn … như cần phải làm mờ mặt những người không phải là trung tâm của sự việc. Vì họ không phải là đối tượng và họ còn cả tương lai ở phía trước.

Tôi luôn ghi lại những chú ý đó trong một cuốn sổ để vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Và tới bây giờ khi phong cách làm báo mới có thay đổi chóng mặt như thế nào thì những bài học đó vẫn luôn đúng và vẹn nguyên giá trị.

Hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông ngày càng gay gắt, vì theo đuổi tính thời sự, nhiều nhà báo, nhiều BTV phải tác nghiệp, biên tập nhanh và chú ý rất nhiều đến kỹ xảo làm “nóng” bản tin, giật tít giật gân để “câu” độc giả, khán giả. Hậu quả của việc theo đuổi tốc độ dẫn đến coi nhẹ tính khách quan của báo chí, đưa tin thiếu chiều sâu, nội dung hời hợt.

Vì vậy, BTV hiện nay, để tồn tại được, đều cần phải thành thạo đa phương tiện chứ không chỉ chuyên biệt về một loại hình báo chí nào. Cùng với những kiến thức, kỹ năng tôi đã học được trong giai đoạn làm báo truyền thống -hiện đại, tôi luôn cảm thấy hãnh diện và tự hào khi được làm việc trong môi trường Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội.

Trong những tòa soạn truyền thống, BTV có nhiệm vụ rất quan trọng. Họ không chỉ là người chỉnh sửa các lỗi hình thức lẫn nội dung, mà còn chắt lọc, kiểm chứng tất cả thông tin trước khi tác phẩm được xuất bản. Hay nói đúng hơn, họ là người bảo vệ uy tín tòa soạn bằng kỹ năng nghiệp vụ của mình. BTV do vậy còn được gọi là “người gác cổng”.
Mai Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động