Biến áp lực thành thời cơ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ động nhập cuộc
Với sự nhạy bén nắm bắt, phân tích xu hướng phát triển kinh tế xã hội trong nước và quốc tế trong thập kỷ 2021-2030, Đảng và Chính phủ xác định rõ quan điểm phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, chúng phải đổi mới tư duy hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngày 3-6-2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều nội dung chỉ đạo công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của đất nước trong tiến trình áp dụng kỹ thuật số.
Đặc biệt, ngày 26-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với đầy đủ các nội dung và điều kiện để các Bộ, ngành triển khai thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Cách mạng công nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển |
Về điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi số, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với số liệu của năm 2020 tỷ lệ dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 67,8%. Nước ta là một trong 20 quốc gia sử dụng Internet cao nhất thế giới, với tỷ lệ người sử dụng khoảng 70%, trong khi đó trung bình trên thế giới khoảng 51%; số người dùng Internet mới tăng 41%, cao nhất trong khu vực.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam chiếm trên 45% dân số, xếp thứ 15 trong các quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Số lượng thuê bao 3G hoặc 4G chiếm 53% người dùng điện thoại thông minh. Trong lĩnh vực ứng dụng AI và robot nước ta cũng có những tiến bộ đáng kể. Vừa qua, Học viện kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng thành công robot mang tên Vibot 2 trong lĩnh vực y tế thay thế nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân trong đại dịch Covid-19. Tập đoàn Công nghệ FPT đang đưa vào thử nghiệm xe không người lái sử dụng AI…
Tuy vậy, việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật số ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Số liệu năm 2020 phản ánh, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tới 33,06% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế; tỷ lệ này của khu vực công nghiệp và xây dựng là 30,8%. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có cấp chứng chỉ còn thấp chỉ đạt 23,6%, trong đó khu vực nông nghiệp chỉ là 4,6%.
Yếu tố con người quyết định sự thành bại trong thực hiện các quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển đất nước nói chung, đặc biệt trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao về kỹ thuật số của nước ta rất hạn chế cả về chất và lượng. Hiện nay nước ta đang thiếu ít nhất khoảng 400 nghìn người có trình độ và kỹ năng thực hiện quá trình chuyển đổi số. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Hòa nhập cùng dòng chảy phát triển
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ phải chịu rủi do cao về mất việc làm khi áp dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và robot trong các lĩnh vực may mặc, bán lẻ, nông nghiệp...
Trong thập kỷ tới, với tác động của trí tuệ nhân tạo, ước tính khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Việc làm luôn là chủ đề mang tính thời sự đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Giải quyết đủ việc làm cho người lao động trong bối cảnh thực hiện cách mạng công nghệ lần thứ tư đồng nghĩa với xây dựng đất nước giàu mạnh về kinh tế, xã hội ổn định và thịnh vượng, người dân có cuộc sống hạnh phúc.
Để Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy phát triển với các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, môi trường pháp lý về xây dựng kinh tế số, xã hội số của Việt Nam đã có, vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện. Ứng dụng công nghệ nói chung và ứng dụng kỹ thuật số nói riêng sẽ dẫn tới mọi ngành nghề, việc làm đòi hỏi tri thức công nghệ mới.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới giáo dục và đào tạo từ tiểu học tới trung học, đại học và hệ thống dạy nghề tập trung vào việc tạo ra nhiều con người mới, có kỹ năng kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng của tất cả các ngành và lĩnh vực trong từng giai đoạn.
Chính sách đào tạo kỹ năng phải đặt trong chiến lược nâng cao năng lực cung cấp việc làm cho tất cả các lĩnh vực và các công việc của nền kinh tế. Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo phải là ưu tiên hàng đầu. Giáo dục và đào tạo là nền tảng căn bản nhất của đất nước, cũng là phương thức phòng thủ quốc gia tốt nhất. Một quốc gia không làm tốt giáo dục và đào tạo, quốc gia đó sẽ thất bại.
Ngoài ra, cần xây dựng và thực thi chính sách thị trường lao động tích cực, chủ động thực hiện phương châm học suốt đời và học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động đáp ứng đòi hỏi về nâng cao và bồi đắp kỹ năng lao động.
Đồng thời, cần dự báo sớm nhu cầu lao động đối với các loại kỹ năng nghề trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số thay đổi rất nhanh có tầm quan trọng đặc biệt và cũng là thách thức không nhỏ. Chính sách phát triển kỹ năng cần đặc biệt quan tâm tới lao động nữ, lao động nông thôn và lao động cao tuổi.
Chính phủ cần có mục tiêu và giải pháp cụ thể đối với nhóm lao động dễ bị tổn thương, ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ đối tượng có ít năng lực công nghệ số và không có khả năng tiếp cận kỹ thuật số để không làm gia tăng bất bình đẳng và đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi các loại dịch vụ công. Tăng cường khả năng sử dụng và tiếp cận kỹ thuật số là điều kiện tiên quyết để chia sẻ lợi ích của phát triển và ứng dụng kỹ thuật số một cách công bằng hơn...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại