Bé trai 12 tuổi sốt cao từng cơn, đau bụng âm ỉ do mắc căn bệnh nguy hiểm lây từ động vật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC |
Theo đó, bệnh nhi B.Đ.K, quê ở Kim Bôi nhập viện với các triệu chứng sốt cao từng cơn, mệt mỏi, ăn kém và đau bụng âm ỉ. Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ viêm phổi, thiếu máu nặng và theo dõi sốt xuất huyết. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn, đội ngũ y tế đã quyết định điều trị theo hướng bệnh xoắn khuẩn vàng da.
Kết quả xét nghiệm sau đó đã xác nhận bệnh nhi nhiễm khuẩn Leptospirosis - tác nhân gây bệnh xoắn khuẩn vàng da. Đây là một bệnh lây từ động vật sang người với các biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ thể ẩn - thể nhẹ không có vàng da hoặc không có biểu hiện viêm màng não đến thể cấp tính điển hình.
BS Trần Hồng Thảo - khoa Nhi, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cảnh báo, bệnh xoắn khuẩn vàng da rất nguy hiểm. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, đau đầu dữ dội, ớn lạnh, đau cơ, nôn mửa, vàng da, đỏ mắt, đau bụng và phát ban. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Việc chẩn đoán bệnh xoắn khuẩn vàng da đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức chuyên môn vững và kinh nghiệm lâm sàng phong phú, do các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Khi đã xác định chính xác, việc điều trị cần được tiến hành sớm với kháng sinh Penicillin G hoặc các loại thuốc thay thế như Doxycyclin, Ampicillin, Erythromycin đối với người dị ứng Penicillin. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Cephalosporin hoặc Quinolone. Bên cạnh đó, điều trị triệu chứng cũng đóng vai trò quan trọng, bao gồm hồi phục nước và điện giải, trợ tim, truyền máu, hồi sức hô hấp và lọc ngoại thận nếu cần thiết.
Đến ngày 30/7/2024, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm khuẩn Leptospirosis. BS Trần Hồng Thảo cho biết bệnh xoắn khuẩn vàng da có thể xuất hiện ở mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, miền núi, đồng bằng và ven biển. Mặc dù tần suất xuất hiện dịch đã giảm so với 20 năm trước, bệnh vẫn có thể phát sinh tản phát, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Nguy cơ lây nhiễm cao nhất đối với những người tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh hoặc môi trường ô nhiễm, bao gồm thú y, người chăn nuôi, ngư dân, nông dân làm việc trên đồng ruộng trũng, công nhân làm việc ở đầm lầy, hầm mỏ, vệ sinh cống rãnh hoặc bơi lội ở vùng nước nhiễm khuẩn.
Để phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng, BS Trần Hồng Thảo khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cứu sống bệnh nhân ngã từ tầng 7 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại