Bầu cử Mỹ và cuộc chiến pháp lý “tuyệt vọng” của Tổng thống Trump
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBiden vượt lên dẫn trước
Đội ngũ tranh cử của Trump đã tiến hành một loạt vụ kiện ở nhiều bang lên Tòa án Tối cao, nhằm ngăn chặn ông Biden "về đích." Chiến thắng của ông Biden ở bang Michigan đồng nghĩa với việc ứng cử viên này đã nắm trong tay 2/3 "bức tường xanh" ở miền Trung Tây và bang Pennsylvania - nơi từng mở đường giúp ông Trump giành chiến thắng 4 năm trước. Nếu tiếp tục dẫn đầu ở Nevada và Arizona, nơi việc kiểm phiếu vẫn chưa được hoàn tất, ông Biden sẽ có đủ số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Đội ngũ tranh cử của ông Biden cũng tự tin sẽ bắt kịp Tổng thống Trump ở một bang chiến trường chủ chốt khác là Pennsylvania, nơi hàng trăm nghìn phiếu bầu bỏ qua đường bưu điện và các phiếu bầu vắng mặt - vốn được cho là sẽ ủng hộ đảng Dân chủ - vẫn đang được kiểm.
Tuy nhiên, ban vận động tranh cử của ông Trump lên kế hoạch yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp trong vụ kiện liên quan việc Tòa án Tối cao bang Pennsylvania cho phép bang này được kiểm cả những phiếu bầu được gửi đến sau ngày bầu cử 3-11. Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối giải quyết vụ việc trước cuộc bầu cử và đang cân nhắc liệu có nên tiếp nhận vụ kiện này hay không.
Theo CNN, ứng cử viên Biden hiện đang dẫn trước phiếu đại cử tri với 253 phiếu, trong khi số phiếu của Tổng thống Trump là 213. Một ứng cử viên phải đạt được 270 phiếu đại cử tri mới có thể chiến thắng cuộc bầu cử. Các cuộc đua ở Arizona, Georgia, Nevada, North Carolina và Pennsylvania cũng rất sít sao. Trong nhiều trường hợp, các cuộc đua sít sao này có thể sẽ phải phụ thuộc vào việc kiểm các phiếu bầu vắng mặt và phiếu bỏ qua đường bưu điện, vốn phần lớn có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.
Có vẻ như nước Mỹ sẽ ở trong tình trạng không rõ ràng trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày, với việc kiểm phiếu có thể bị dừng lại vì các cuộc chiến pháp lý ở nhiều bang. Qua một đêm, ứng cử viên Biden đã vươn lên chiến thắng ở một bang chủ chốt khác - Wisconsin, và một lần nữa là nhờ vào các phiếu gửi qua đường bưu điện và các phiếu bỏ sớm, vốn được kiểm sau các phiếu bầu được cử tri đi bỏ trực tiếp trong Ngày Bầu cử. Tuy nhiên, đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump tuyên bố rằng họ sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại, đồng thời cho biết đang gia tăng các thách thức pháp lý ở Michigan.
Về cơ bản, ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump đang cố gắng ngăn chặn việc kiểm phiếu ở những bang mà ông Trump đang bị dẫn trước, nhưng yêu cầu phải kiểm tất cả các phiếu ở những bang mà họ tin rằng họ có cơ hội đuổi kịp ứng cử viên Biden, như Arizona và Nevada.
Các ứng cử viên có thể yêu cầu tiến hành kiểm phiếu lại ở bang Wisconsin nếu số phiếu bầu chênh lệch với người thắng cuộc chỉ trong khoảng 1% - nhưng không thể chính thức yêu cầu kiểm lại phiếu cho tới khi các hạt hoàn tất việc báo cáo kết quả kiểm phiếu, vốn có thể kéo dài tới ngày 17-11.
Cuộc chiến giữa ứng cử viên Biden (trái) và Tổng thống Trump vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt với lợi thế nghiêng về ông Biden. Ảnh tư liệu |
Tổng thống Trump tăng cường "tấn công" pháp lý
Theo Washington Post, ban vận động tái tranh cử của Tổng thống Trump ngày 4-11 cho biết họ sẽ tiến hành một cuộc chiến pháp lý nhằm dừng việc kiểm phiếu ở Pennsylvania và Michigan, đồng thời sẽ yêu cầu kiểm lại phiếu ở Wisconsin. Động thái pháp lý mạnh mẽ của phía Tổng thống Trump diễn ra sau khi Tổng thống Trump - người nhiều lần đưa ra những tuyên bố vô căn cứ rằng cuộc bầu cử có gian lận - tuyên bố sẽ tìm tới tòa án để quyết định kết quả bầu cử.
Trong một loạt tuyên bố liên tiếp ngày 4-11, các quan chức trong ban vận động tranh cử của ông Trump nói rằng họ có kế hoạch khởi kiện để dừng việc kiểm phiếu cho tới khi các quan sát viên của đảng Công hòa được phép tiếp cận nhiều hơn ở bang Michigan và Pennsylvania; tìm cách kiểm lại phiếu ở Wisconsin; và can thiệp vào vụ kiện tụng đang bị treo lại ở Tòa án Tối cao về việc Pennsylvania gia hạn thời gian nhận phiếu bầu gửi qua đường bưu điện.
Giới chuyên gia pháp lý lưu ý rằng, Tổng thống Trump không thể đơn giản buộc Tòa án Tối cao can thiệp vào cuộc bầu cử và dừng việc kiểm phiếu. Tòa án Tối cao không có thông lệ xem xét kết quả bầu cử, và trong trường hợp gần đây nhất - cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Bush và ông Al Gore năm 2000, phải mất 1 tháng để tòa đưa ra phán quyết. Sức mạnh của tòa án bị hạn chế, và các thẩm phán chỉ có thể xem xét những vấn đề hiến pháp cụ thể mà tòa án cấp dưới đệ trình lên. Theo những quy định này, việc một tổng thống trực tiếp kêu gọi Tòa án Tối cao can thiệp vào một cuộc bầu cử sẽ không được tính đến. Giáo sư Joshua A.Douglas thuộc trường Luật Rosenberg của ĐH Kentucky, nói: "Bạn không thể trực tiếp đưa một vụ kiện lên Tòa án Tối cao khi xảy ra tranh chấp bầu cử... Không có cơ sở pháp lý để hành động như vậy, để nói rằng 'hãy dừng việc kiểm phiếu và tuyên bố tôi thắng cuộc.'"
Liệu kết quả bầu cử có được đưa ra xem xét tại Tòa án Tối cao hay không vẫn là điều chưa rõ. Tuy nhiên, nhiều khả năng kết quả bỏ phiếu ở những bang có tỷ lệ chênh lệch sít sao và có khả năng làm thay đổi kết quả bầu cử sẽ được đưa ra Tòa án Tối cao để xem xét.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại