Thứ ba 23/07/2024 09:18

Bắt Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai: trách nhiệm pháp lý ra sao?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Bắt Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai: trách nhiệm pháp lý ra sao?
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai lúc bị bắt (Ảnh: BCA)

Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định khoản 3 Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quyết định nêu trên nằm trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, SN 1960, tại Bình Định, là người sáng lập Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường năm 1994 (tiền thân của Quốc Cường Gia Lai). Đến năm 2007, công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng.

Hiện, cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can trong vụ án, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra các sai phạm khác của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân có liên quan để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Tội danh quy định ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai bị khởi tố là tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế.

Theo đó, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau: người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.

Tội danh này áp dụng xử lý đối với người có chức vụ quyền hạn trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn định, về giá cả và các phương thức quản lý dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, lãng phí tài sản của Nhà nước mà không đòi hỏi bắt buộc yếu tố vụ lợi, không có yếu tố chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, tội danh có cấu thành vật chất, tức là một người được coi là hoàn thành tội phạm kể từ khi thực hiện một hành vi quy định trong điều luật với một số lượng, giá trị vật chất cụ thể.

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, tức là họ nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm của hành vi đó và mong muốn hoặc cam chịu hậu quả đó xảy ra.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Nghĩa là người thực hiện hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hậu quả gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Nếu hậu quả xảy ra thấp hơn mức quy định trên, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Các cá nhân liên quan vụ án

Trước đó, ngày 23/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam ông Lê Quang Thung, cựu Tổng Giám đốc, quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Huỳnh Trung Trực, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tiếp theo, các bị can bị bắt còn có Lê Y Linh, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín; Đặng Phước Dừa, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Việt Tín và hàng loạt người tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa...

Ngày 15/7, Cơ quan chức năng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh khám xét với bà Nguyễn Thị Hồng (nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; ông Trần Ngọc Thuận (nguyên thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam) bị điều tra tội “Nhận hối lộ”; ông Võ Sỹ Lực, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam bị cáo buộc về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai còn gắn với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, biệt danh là Cường Đôla (con trai bà Nguyễn Thị Như Loan), khi ông Cường từng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo với chức danh phó tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị.

Năm 2018, ông Cường mới từ nhiệm các vai trò lãnh đạo tại Quốc Cường Gia Lai dù đây là doanh nghiệp đặt theo tên mình và thời điểm từ nhiệm cũng sau khi xảy ra vụ án chuyển nhượng 32ha đất công giá rẻ.

Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị bắt
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động