Thứ hai 25/11/2024 06:28

Bắt nhóm chuyên "hack" Facebook chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi chủ tài khoản đăng nhập bình chọn tại các website giả mạo, đối tượng sẽ có mật khẩu (password) rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt giữ được 3 người cuối cùng trong băng nhóm lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng qua mạng xã hội Facebook và tài khoản ngân hàng.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 14-5, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Ninh) phối hợp với Phòng Trọng án (Cục Cảnh sát hình sự) và Công an các địa phương bắt giữ 4 người cũng nằm trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội facebook và tài khoản ngân hàng.

Theo đó, các đối tượng bị bắt giữ gồm Cao Đăng Nhu (SN 1995, ở Trà Liên Tây, Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị), Lê Hữu Quý (SN 1993, ở Khu Giáp Nhất, Hương Văn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế), và hai anh em ruột Trịnh Hà Sơn Bình (SN 1986) cùng Trịnh Minh Vương (SN 1990, đều ở Tổ 7, phường Tứ Hạ, TX Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

bat nhom chuyen hack facebook chiem doat hon 10 ty dong
Đối tượng Thái khai nhận tại CQĐT.

Đến ngày 30-5, lực lượng chức năng đã bắt giữ được kẻ cầm đầu băng nhóm này là Phạm Xuân Thái (sinh năm 2002, ở Bích La Đông, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị) đang là học sinh giỏi lớp 12 ở Quảng Trị.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn bắt giữ được Lê Viết Quý (SN 1994, ở số 17 Nguyễn Trãi, KP 8, phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị); Nguyễn Văn Điền (SN 1997, ở tổ 6, phường Hương Văn, TX.Hương Trà, Thừa Thiên Huế) là đồng bọn của Thái, thông tin trên báo PLVN.

Theo TTXVN, dù đang là học sinh lớp 12 nhưng Thái rất am hiểu công nghệ thông tin. Thái đã lập trình, tạo ra các website giả mạo có dạng: Bình chọn giọng hát Việt nhí, Bình chọn danh lam thắng cảnh... sau đó gửi đường link trang web này đến các tài khoản Facebook của những người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Khi chủ tài khoản đăng nhập bình chọn, đối tượng sẽ có mật khẩu (password) rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó các đối tượng còn gửi các đường link giả mạo ngân hàng để các nạn nhân truy cập, khai báo thông tin tài khoản ngân hàng.

Sau khi thu thập đầy đủ mật khẩu, mã OTP của chủ tài khoản, các đối tượng lập tức chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân vào các tài khoản của chúng.

Số tiền chiếm đoạt được Thái đã chuyển vào các tài khoản ngân hàng do do Viết Quý, Nhu và Vương cung cấp. Sau đó Vương chia nhỏ sang các tài khoản khác nhau để Điền, Hữu Quý và Bình đi rút tiền về chia nhau.

Mỗi lần chiếm đoạt tài sản trót lọt, Thái được hưởng 70% số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng còn lại hưởng từ 5-10%.

Trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm đối tượng trên đã sử dụng 14 tài khoản ngân hàng ảo để chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng của hơn 100 bị hại trên cả nước, trong đó có các bị hại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra mở rộng.

T.Quang (th)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động