Chủ nhật 17/11/2024 08:15

Bất bình đẳng giới trong gia đình: Do chính người phụ nữ?!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Trong rất nhiều ý kiến đưa ra tại tọa đàm “Bình đẳng giới và những thách thức đối với gia đình trẻ hiện nay” do Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL tổ chức, ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh - Viện nghiên cứu Gia đình và Giới khiến không ít phụ nữ “giật mình”: Một phần nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới hiện nay là do chính phụ nữ đang chưa nhận thức được về sự bình đẳng.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, trong trường hợp vợ không chung thủy chồng có thể đánh vợ không, thì có tới 50,5 % phụ nữ đồng ý, trong khi chỉ có 24,2% nam giới đồng ý. Hay tại câu hỏi chồng có thể đánh vợ không khi vợ không biết đối xử với gia đình chồng thì có đến 12% phụ nữ đồng ý trong khi chỉ có 7% nam giới đồng tình. Một tồn tại nữa trong các gia đình là việc lựa chọn giới tính đang gia tăng. Nếu như năm 2009, tỉ lệ bé trai/bé gái khi chào đời là 110,5 trai/100 gái thì đến năm 2010 có 111,2% trai/100 gái. Năm 2014 tỉ lệ chênh lệch nam/nữ đã tăng lên 112 con trai/100 gái. Vấn đề con nối dõi đang làm chênh lệch cán cân nam/nữ. Có đến 64% người đồng ý với quan điểm phải có con trai nối dõi.

Theo Điều 5 khoản 3 Luật Bình đẳng giới: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới: Luật bình đẳng giới 2006; Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 2351/Qđ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020. Chiến lược có mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”.

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN). Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng; 14/30 Bộ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ có Thứ trưởng là nữ. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy.

Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm là nữ giới chiếm 49%. Tính đến hết năm 2011, tỷ lệ phụ nữ biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, tỷ lệ thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và 17,1% tiến sỹ là nữ giới.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng giới trong gia đình. Điều đó đã và đang đặt ra những thách thức đối với người phụ nữ, đặc biệt trong gia đình trẻ.

Thứ nhất, thách thức về vấn đề duy trì nòi giống. Một bộ phận gia đình trẻ hiện nay, vẫn chịu ảnh hưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Áp lực sinh con trai nối dõi trong gia đình là một vấn đề không mới, nó tồn tại trong xã hội Việt Nam từ rất lâu. Đến thời đại ngày nay, mặc dù đã được tiếp cận với những tư tưởng hiện đại về bình đẳng giới nhưng bên trong mỗi mãi ấm vẫn luôn tồn tại một đợt sóng ngầm đến từ bố mẹ chồng, từ người chồng của mình. Áp lực ấy tác động đến cuộc sống của người phụ nữ. Mặc dù, theo khoa học, vấn đề sinh con trai hay con gái đều phụ thuộc vào gen của người đàn ông chứ không hoàn toàn là tại phụ nữ. Nhưng thực tế, vẫn có những câu chuyện đau lòng về vấn đề sinh con nối dõi. Người phụ nữ không sinh được con trai bị coi là người “không biết đẻ”, có thể phải chấp nhận để chồng có con với người khác, chịu sự kì thị của gia đình chồng... Điều này, vô tình đã đẩy người phụ nữ đến bên bờ vực của sự tuyệt vọng.

Thứ hai, về sự phân công lao động trong gia đình giữa người vợ và người chồng.

Hầu hết, hiện nay trong gia đình, người phụ nữ phải làm việc nhiều hơn nam giới. Các kết quả thống kê cho thấy, thời gian làm việc của phụ nữ là 13h, trong khi nam giới là khoảng 9h. Sự chênh lệch này, chủ yếu là do ngoài công việc hàng ngày, người phụ nữ phải đảm nhận thêm công việc nội trợ, chăm sóc con cái, giáo dục con cái...

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình là do ảnh hưởng cửa tư tưởng phong kiến gia trưởng, hầu như nam giới chưa thay đổi quan niệm trụ cột của mình. Họ cho rằng việc bếp núc, nội chợ, chăm sóc con cái là việc của phụ nữ. Thậm chí, có những người chồng về là ipad, đi chơi phó thác mọi việc cho người vợ.

Thứ ba, thách thức về vấn đề đóng góp kinh tế trong gia đình. Từ xưa đến nay, trong gia đình người đàn ông luôn là trụ cột kinh tế gia đình. Có rất nhiều trường hợp, người vợ ở nhà nội trợ bị coi là ăn bám, không có tiếng nói trong gia đình. Nhưng ngược lại, có nhiều trường hợp chính người phụ nữ phải tự bươn chải, lo toan cuộc sống gia đình. Vấn đề kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong gia đình.

Thứ tư là thách thức về vấn đề duy trì hạnh phúc, chống bạo hành trong gia đình. Bởi ngày nay đa số các cặp vợ chồng trẻ sống riêng, tự lập. Chính môi trường tự lập, tạo cho sự thoải mái nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho người phụ nữ: vấn đề làm thế nào để duy trì hạnh phúc, vấn đề bạo lực gia đình. Bởi, thực tế cho thấy, hiện nay, gia đình trẻ có chiều hướng ly hôn khá tăng. Những số liệu gần đây, cho thấy có đến hơn 30% các cặp vợ chồng trẻ ly hôn sau chưa đày 3 năm chung sống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do các cặp vợ chồng trẻ có phần quá nóng vội, tâm lí chưa chín chắn, về chung sống dẫn đến bất hòa, từ chỗ bất hòa dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra như nạn bạo ngược với vợ, con.

Theo ý kiến của đại diện tới từ Vụ Gia đình Việt Nam, gia đình có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới bởi đây là môi trường tuyên truyền, giáo dục tốt nhất về bình đẳng giới. Việc thực hiện chức năng xã hội hóa cá nhân giúp cho các cá nhân tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng, hành vi mẫu về giới từ các thành viên gia đình. Nếu nhận thức, hành vi của thế hệ đi trước không đúng đắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của các thế hệ sau. Ngược lại, khi các thế hệ đi trước nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới thì họ sẽ truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp những nhận thức đúng đắn đó. Như vậy, vai trò của gia đình đối với việc thực hiện bình đẳng giới rất có ý nghĩa bởi mỗi con người đều học tập và thực hành các quan niệm, hành vi về giới của mình trước tiên là tại gia đình. Mỗi thành viên gia đình là trai hay gái, khi trưởng thành sẽ tạo dựng các mối quan hệ để hình thành những gia đình mới. Quá trình nhận thức và hành động vì bình đẳng giới phải bắt đầu ngay từ gia đình. Thực hiện bình đẳng giới góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đồng thời là điều kiện tiên quyết để tiến tới bình đẳng giới cho toàn xã hội.

Xuân Thanh

lan anh / PLXH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động