Bao giờ chấm dứt việc “đầu độc” đồng loại vì hám lợi kinh doanh thực phẩm bẩn?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSố trứng non có dấu hiệu phân hủy bị thu giữ khi đang được vận chuyển đi tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng |
Ngày 14/12 tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 1,8 tấn trứng non, nầm lợn không rõ nguồn gốc có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường tiêu thụ. Tổ công tác của Đội 5 - Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xe tải mang BKS 29H -178.14 đang dừng đỗ tại trước số nhà 50 ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nội tạng động vật trên xe. Số nội tạng động vật bao gồm nầm lợn, trứng non đông lạnh được cất giữ trong các thùng, bên ngoài có chữ nước ngoài.
Toàn bộ số nội tạng động vật trên xe đều có dấu hiệu trong trạng thái phân hủy, không đảm bảo chất lượng. Qua khai thác, tài xế khai số hàng hóa này đang được vận chuyển đi tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng.
Trước đó vào ngày 12/12, Đội Quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường kiểm tra cơ sở sản xuất, đóng gói bánh gạo VETUE - vị rau củ tại địa chỉ: Số 2 ngõ 6 đường Phúc Tiền, Biên Giang, Hà Đông, Hà Nội. Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 85kg bánh gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ, 750kg màng gói bánh, 1.015kg túi nilông, 1.300kg bao bì carton, 1kg nhãn hàng hoá, 153 thùng bánh gạo Nhật Bản Vertrue - vị rau củ (12 túi/thùng 300 g/túi) có dấu hiệu giả mạo tên, địa chỉ thương nhân phân phối, giả về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xác minh, điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, Đội 4 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ đột kích xưởng sản xuất bánh kẹo “3 không” tại địa bàn huyện Hoài Đức do Tạ Tương Quân làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hàng tấn bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhưng chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan.
Ngoài việc không xuất trình được giấy tờ, cơ sở này còn có hành vi đóng gói số bánh kẹo có xuất xứ Trung Quốc vào một số bao bì ghi nhãn “Made in Japan”. Việc thay đổi nhãn mác như vậy được chủ cơ sở khai nhận nhằm mục đích dễ tiêu thụ hơn. “Số kẹo này được tiêu thụ tại đại lý Đạt Nga ở La Phù, huyện Hoài Đức và một số khách hàng quen” - chủ hàng cho biết.
Dù đã có khung hình phạt xử lý việc kinh doanh thực phẩm“bẩn”, nhưng nhiều người vẫn vì lợi nhuận mà “đầu độc”chính đồng loại mình. Những năm gần đây, thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi kinh hoàng...
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% nguyên nhân sinh ra bệnh ung thư là từ môi trường bên ngoài, trong đó thủ phạm chính là thuốc lá và thực phẩm “bẩn”. Còn theo một thống kê gần đây của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra.
Việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, là một tội ác. Buôn bán thực phẩm bẩn - rất nhiều người đã vì đồng tiền mà bất chấp tất cả, đồng tiền khiến họ quên cả lương tâm của một con người. Có thể họ biết là sai, là thất đức, biết là vi phạm pháp luật, thế nhưng họ vẫn làm. Kiếm sống và làm giàu bằng thực phẩm bẩn. Cái họ có được đã đánh đổi bằng sức khỏe, sinh mạng của bao người, rộng hơn và nguy hiểm hơn là sự suy yếu của cả một thế hệ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại