Bão giá trên công trường cao tốc Bắc – Nam: Quả bóng trong chân các tỉnh, thành!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác dự án hoàn thành năm 2022 đang gặp những trắc trở đường về đích |
Dự án đầu tư công gặp khó
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến cuối tháng giữa tháng 8/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đạt khoảng 27/57 nghìn tỷ đồng, tương đương 47% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 2% tiến độ đề ra, trong đó 4 dự án hoàn thành năm nay đang chậm 3,7% sản lượng. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phân tích nguyên nhân của tình hình này là do giá nhiên, nguyên, vật liệu tăng cao đã vượt ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo hợp đồng chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn gây thiếu hụt tài chính cho nhà thầu.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng mới đây đã có Công văn số 3102/BXD-KTXD báo cáo Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng và giải pháp tháo gỡ, nhằm “trợ lực” trong bão giá cho DN, tăng tốc các dự án cao tốc.
Theo đó, tùy theo từng loại công trình, chi phí VLXD thường chiếm khoảng từ 50% đến hơn 70% dự toán chi phí xây dựng. Theo thống kê của Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng, đối với các dự án giao thông, tỷ lệ thép xây dựng, xi măng, cát, đá, nhựa đường chiếm tỷ trọng tương ứng là 9,07%; 1,96%; 3,96%; 4,49%; 4,98%.
Từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022, giá các loại này có xu hướng tăng, trong đó có thép, xi măng, nhựa đường, xăng, dầu, cát, đất đắp. Từ tháng 4/2022 trở lại đây, giá nhiên liệu và một số VLXD chủ yếu bắt đầu giảm, trong đó giá thép giảm mạnh nhất, hiện ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg, tương đương giá thép quý II/2021.
Tuy nhiên, so với mặt bằng giá quý IV năm 2020, tại thời điểm tháng 7/2022, giá nhiên liệu và giá một số vật liệu chủ yếu vẫn cao. Giá thép xây dựng cao hơn khoảng 25%; giá xi măng, cao hơn khoảng 15 - 20%; giá nhựa đường cao hơn khoảng 40%; dầu diesel cao hơn gần 100% so với quý IV/2020.
Giá VLXD tăng mạnh từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án. Theo số liệu do các địa phương công bố, chỉ số giá xây dựng quý I/2022 tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm năm 2020 (lúc chưa có biến động), trong đó chỉ số giá xây dựng một số công trình (công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật…) tại một số địa phương tăng từ 15 - 20%. “Yếu tố này đã tác động lớn đến công tác quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thi công”, ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.
Qua theo dõi, tổng hợp các ý kiến của các địa phương, giá VLXD, nhiên liệu tăng tại hầu hết các công trình thi công sau năm 2020, trong đó có cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các bên liên quan đều chọn phương án ký kết hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá. Các văn bản hiện hành đã quy định rõ các phương pháp để chủ đầu tư, nhà thầu lựa chọn (điều chỉnh theo chỉ số giá của nhóm VLXD chủ yếu; điều chỉnh theo từng danh mục giá VLXD; giá điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, ...).
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện điều chỉnh giá đã gặp một số khó khăn, vướng mắc gồm: giá vật tư, vật liệu và chỉ số giá xây dựng ở nhiều địa phương công bố chậm, không phù hợp thực tế, không sát với diễn biến giá trên thị trường; danh mục lại không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thanh toán các hợp đồng.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, việc chủ đầu tư lựa chọn các phương pháp, phạm vi, đối tượng, nguồn dữ liệu để áp dụng trong hợp đồng chưa phù hợp, đã không phản ánh đúng thực tế biến động giá thị trường. Vì thế, quyền lợi của nhà thầu lại càng bị ảnh hưởng, khó khăn càng đè nặng lên nguồn lực DN.
Mạnh dạn gỡ khó cho nhà thầu
Trước tình hình thực tế nói trên, Bộ Xây dựng cho biết Bộ và các bộ, ngành Trung ương, một số tỉnh có dự án đường cao tốc giai đoạn 1 đã triển khai bước đầu một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trong đó gần đây đã xuất hiện một số địa phương có chuyển biến trong công tác khảo sát, công bố giá VLXD một cách tiếp cận sát hợp hơn diễn biến thị trường, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thanh, quyết toán và bù giá theo quy định tại hợp đồng.
Tuy nhiên, thực tế “bão giá” biến động quá nhanh, khó lường, các giải pháp nêu trên nhìn chung tại các Tỉnh, TP vẫn chưa theo kịp thực tiễn, ách tắc trên các công trường vẫn là điều hiện hữu. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP thực hiện một số giải pháp cấp bách, tổng thể: Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Sở Xây dựng và UBND chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2020 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch.
Trường hợp chỉ số giá đã công bố chưa phản ánh đúng biến động giá trên thị trường, các địa phương bổ sung việc công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng, theo tần suất sớm hơn, đảm bảo đúng quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.
Điều đáng mừng là ngay sau khi 12 dự án cao tốc giai đoạn 2 được Bộ GTVT phê duyệt (tháng 7/2022), Chính phủ đã có những chỉ đạo cấp thiết về vấn đề này, thể hiện ngay tại cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án dự án quan trọng quốc gia ngành GTVT. Tại Thông báo số 149, ngày 17/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã “yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ việc giảm giá các mặt hàng, dịch vụ, giá VLXD, chống việc lợi dụng tăng giá, ép giá, nâng giá…”. Đồng thời, các tỉnh, TP có dự án cao tốc triển khai chịu trách nhiệm “công bố giá, chỉ số giá các loại VLXD hàng tháng sát với biến động của thị trường để bù đắp các biến động giá cho các nhà thầu xây dựng. Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương bảo đảm việc công bố giá đầy đủ, kịp thời và sát với thị trường”.
Hi vọng rằng, với sự vào cuộc chủ động của Chính phủ, vai trò trách nhiệm được nâng lên của các địa phương, bài toán về hạn chế thiệt hại của “bão giá” trên các công trường sẽ được tìm ra lời giải, góp phần trợ sức cho nhà thầu đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ ngày càng cao tại các dự án đường cao tốc quốc gia giai đoạn mới.
Bão giá trên công trường cao tốc Bắc - Nam: Cần ngay giải pháp “trợ sức” cho nhà thầu
|
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại