Bão giá trên công trường cao tốc Bắc - Nam: Cần ngay giải pháp “trợ sức” cho nhà thầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhà thầu đã rất cố gắng, cần sự chia sẻ của cơ quan quản lý Nhà nước |
Khi nhà thầu hụt hơi
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn dài hơn 43km, có điểm đầu thuộc địa phận xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, kết thúc tại địa phận xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thi công xây dựng trong khoảng 2 năm (2021 - 2023). Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, GĐ Ban QLDA (thuộc Ban QLDA 2 Bộ GTVT) cho biết, công tác GPMB hiện đã hoàn thành 100%, giá trị sản lượng đến nay đạt 42,4% giá trị các hợp đồng, chậm 0,4% tiến độ.
“Ban QLDA 2, các nhà thầu thi công đã ký cam kết hoàn thành dự án theo đúng tiến độ (tháng 8/2023). Hiện nay các gói thầu cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cái khó là hơn 1 tháng nay do khó khăn về bão giá, các mỏ đất đóng cửa sau các động thái kiểm soát xe tải trọng nên nhiều nhà thầu dừng thi công. Đại công trường gần như đình trệ có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Quỳnh lo lắng.
Tháng 7, nắng hè bỏng rát, nhưng trên đường ra công trường cao tốc Bắc – Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn, dưới cái thời tiết rất thuận lợi cho thi công nhưng công trường thưa thớt bóng người. Tại gói thầu XL2, ông Phan Ngọc Quý, Chỉ huy trưởng công trường xác nhận: “Công trường với hàng trăm máy móc đắp chiếu cả tháng nay thì lấy đâu ra công nhân”.
Theo ông Quý, thời gian qua giá nhiên, vật liệu tăng quá cao dẫn đến giá các nguyên liệu phục vụ dự án đều tăng. “Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của các nhà thầu thi công, làm thay đổi kế hoạch cân đối thu chi, tài chính bố trí cho gói thầu của dự án.
Đại diện nhà thầu chia sẻ: So với thời điểm chúng tôi ký hợp đồng gói thầu vào cuối 2019 giá các chủng loại vật tư, vật liệu chính đã không ngừng gia tăng: Giá đất đắp tăng 30-50%, cát vàng tăng khoảng 15 - 40%, nhựa đường tăng khoảng 35 - 50%, giá đá sản xuất bê tông nhựa tăng khoảng 20 - 55%, giá cấp phối đá dăm loại 1 tăng khoảng 30-45%, giá nhiên liệu dầu Diesel tăng phi mã 144%, giá thép tăng khoảng 40-50%, xi măng tăng khoảng 20 - 35%, hiện tại các nhà thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển lại chào giá cước tăng từ 30 - 40% so với trước thời điểm cơ quan chức năng kiểm soát tải trọng xe”.
Cũng trong tình cảnh tương tự, một nhà thầu thi công tuyến Dầu Giây - Phan Thiết tâm sự: “Cứ đà này thì nhà thầu vỡ nợ mất, vô vàn khó khăn ập đến cùng lúc khiến chúng tôi kiệt sức. Bây giờ nhà thầu chỉ tính toán xem, làm thế nào đễ lỗ thấp nhất chứ lãi là điều không thể”.
Ông này cho biết, các đơn vị phục vụ thi công, thậm chí là nhà thầu phụ sẵn sàng chập nhận nộp phạt phá vỡ hợp đồng còn hơn tiếp tục làm dự án. Bởi lẽ số tiền nộp phạt còn thấp hơn nhiều số tiền thua lỗ khi thi công. Bên cạnh đó việc các cơ quan địa phương chậm công bố hoặc công bố chỉ số giá vật liệu không phù hợp, không đủ bù đắp chênh lệch giá cả khiến nhà thầu càng thêm vất vả, áp lực…
Bức tranh chung này cũng đã thể hiện tại các DA Cao tốc khác mà chúng tôi có dịp trực tiếp xuống công trường hay trao đổi thông tin khác, do các Ban QLDA lớn của Bộ GTVT điều hành như PMU Thăng Long, PMU 7, PMU đường Hồ Chí Minh… tình trạng chung vẫn là nhà thầu hụt hơi, toàn bộ các DA đều có biểu hiện chậm tiến độ trước mắt là từ hơn 1,7% đến 5%, các bế tắc hiện hữu chưa được giải quyết càng đè nặng nỗi lo lên khả năng về đích của các công trình.
Thậm chí, một Tổng GĐ đầu tư hạ tầng lớn thẳng thắn nói rằng: Nhiều BQL DA đầu tư công “không dám” nhận DA, nhà thầu “không dám” nhận thầu thi công!
Cần một “phương thuốc” căn cơ
Theo hợp đồng thi công cao tốc Bắc – Nam được ký kết thì các gói thầu thuộc DA đang triển khai được áp dụng phương thức điều chỉnh đơn giá theo phương pháp hệ số giá, sử dụng chỉ số giá do UBND, Sở Xây Tỉnh nói DA đi qua công bố. Thế nhưng thực tế hầu hết các tỉnh thuộc đối tượng này như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Đồng Nai…
Thời gian gần đây chưa có DA đầu tư xây dựng đường cao tốc nào, giá và chỉ số giá địa phương ban hành chỉ phù hợp với các công trình cấp thấp hơn hoặc có quy mô nhỏ. Tính ra nhà thầu được bù tương ứng từ 1,8 – 8% giá trị thi công, trong khi các chủng loại vật liệu chính đã biến động tăng từ 20 – 30%.
Để bảo đảm tiến độ các DA đang đầu tư, rất cần một cơ chế điều chỉnh giá phù hợp. Quan trọng hơn nữa là cơ chế ban hành phải nhanh, việc ra quyết định phải kịp thời mới tăng được hiệu quả hỗ trợ.
Đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay có 2 vấn đề cần giải quyết trong bối cảnh giá cả tăng cao hiện nay. Trước hết, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành Thông tư yêu cầu các địa phương cập nhật giá vật liệu xây dựng sát thực tế. Địa phương công bố giá nhưng Bộ Xây dựng phải là cơ quan kiểm tra để bảo đảm địa phương cập nhật giá sát thực tế chứ không phải đơn giá lạc hậu, gây khó cho nhà thầu trong khâu thanh quyết toán dự án.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần xây dựng, quản lý đơn giá vật liệu theo hướng bổ sung định mức chưa có và thay đổi những định mức đơn giá lạc hậu. Ngoài việc cập nhật định mức, đơn giá theo thị trường, cần có biện pháp giảm thuế để kéo giảm giá nguyên vật liệu, đặc biệt là các loại vật liệu nhập khẩu.
Được biết, hàng loạt các nhà thầu hàng đầu đang thi công DA cao tốc đã có đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng, trong đó nhấn mạnh rất cần sự phối hợp, chia sẻ giải quyết vấn đề từ phía Bộ Xây dựng đối với Bộ GTVT.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại