Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động: Người sử dụng lao động khó chối bỏ được trách nhiệm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là thông tin được ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết tại buổi họp báo thông tin về Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 2 năm 2018 diễn ra ngày 18-4 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, trong số các nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động thì việc không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ. Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,31% tổng số vụ. Nguyên nhân do thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10%; do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 6,2%; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 2,3%.
Trước đó, tại đối thoại định kỳ 2018 của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai thông tin: Quá trình thanh, kiểm tra hầu hết các doanh nghiệp đều báo cáo đã nghiêm túc triển khai quy trình về huấn luyện ATVSLĐ. Nhiều doanh nghiệp thuê một doanh nghiệp về giảng về quy trình huấn luyện cho công nhân trong giờ nghỉ trưa rồi quay clip, chụp ảnh…làm hồ sơ rất đẹp.
Tuy nhiên tìm hiểu kỹ thì mới vỡ lẽ hầu hết quy trình về huấn luyện đều được các doanh nghiệp thực hiện lúc tranh thủ vào giờ nghỉ trưa của công nhân với thời lượng từ 30 đến 1 tiếng. Sau buổi huấn luyện công nhân không tích lũy được nhiều kiến thức về ATVSLĐ. Những kỹ năng về ATVSLĐ vẫn là lỗ hổng lớn dẫn đến tai nạn lao động vẫn gia tăng.
“Trong việc đảm bảo ATVSLĐ, trách nhiệm trước hết thuộc về người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, chính người lao động cũng cần có ý thức về vấn đề này. Đôi khi, người lao động được cho học tập, được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng họ thấy vướng víu nên không tuân thủ”, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng nói.
Theo thống kê, trong số các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người (phân tích từ 137 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người), nguyên nhân từ người lao động chiếm 20%. Trong đó, nguyên nhân do người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 16,9% tổng số vụ. Nguyên nhân do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 3,1%.
Trong Tháng hành động, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ |
Từ thực trạng kể trên, trong Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 2 năm 2018, các hoạt động thanh, kiểm tra về ATVSLĐ sẽ được đẩy mạnh, tăng cường. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức 6 đoàn thanh tra tại 97 doanh nghiệp và 1 số công trình xây dựng về ATVSLĐ. Cùng với đó, các Bộ, ngành như: Công thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng sẽ tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Về phía thành phố Hồ Chí Minh – địa phương đăng cai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018, sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ đối với 100 doanh nghiệp, ban chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn.
Bộ cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch tài chính cho việc tập huấn ATVSLĐ. Trong đó tu tiên tập huấn trước cho người lao động làm việc trong khu vực có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Những năm qua, việc tổ chức tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN và Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất cùng các hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ đã và đang góp phần kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên quan đến lao động. Nhận thức của các cấp, các ngành người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ đã từng bước có chuyển biến tích cực. Người sử dụng lao động và người lao động cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ.
Năm nay, chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ là “Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Lễ phát động Tháng hành động sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6-5 tới.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại