Bài học từ vụ nữ Việt kiều bị tống tiền bằng clip “nóng”?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghi can Võ Văn Hùng khi bị CQCA bắt quả tang. |
CQ CSĐT CA quận Gò Vấp, TP HCM đang tạm giữ Võ Văn Hùng, SN 1989, trú huyện Hướng Hóa, Quảng Trị về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" khi Hùng dùng clip "nóng" đe dọa tống tiền nữ Việt kiều. Theo thông tin ban đầu, tháng 10/2020, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Hùng quen biết và thường xuyên trò chuyện với bà S. (quốc tịch Mỹ). Quá trình trò chuyện qua lại, hai người nảy sinh tình cảm và thường xuyên chát sex, gửi hình nhạy cảm. Sau đó, Hùng giữ lại tất cả hình ảnh, đoạn clip nhạy cảm nhận được. Thời gian sau, do cần tiền tiêu xài, Hùng nghĩ đến việc sử dụng các đoạn clip nhạy cảm để tống tiền bà S. Hùng đe dọa sẽ gửi các hình ảnh, clip đó cho bạn bè bà S. và tung lên mạng xã hội.
Do bị đe dọa và sợ những hình ảnh nhạy cảm bị phát tán, bà S. đã có 100 lần chuyển tiền với tổng cộng 1,4 tỷ đồng và 16 nghìn USD từ nước ngoài về Việt Nam cho Hùng. Mới đây, Hùng tiếp tục yêu cầu bà S. phải chuyển 30 triệu đồng và phải về Việt Nam để “vui vẻ” với Hùng. Hùng từ Quảng Trị vào TP HCM để gặp bà S. Chiều 1/2, bà S. đến quán cà phê ở đường Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp để gặp. Khi Hùng đang nhận tiền từ tay bà S thì trinh sát hình sự phục kích bắt và lập biên bản hành vi phạm tội.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi tống tiền bằng clip nóng là hành vi dùng thủ đoạn để buộc người khác đưa tiền, tài sản. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu người thực hiện hành vi biết việc làm của mình sẽ vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý làm và dùng thủ đoạn để đe dọa, uy hiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thỏa mãn yêu cầu là có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo vị luật sư, tội “Cưỡng đoạt tài sản” là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm buộc nạn nhân phải giao tài sản chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Người phạm tội cùng lúc xâm hại đến 2 khách thể là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân.
Tuy nhiên, chủ yếu là quan hệ sở hữu, trong đó việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt phải giao tài sản. Người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, BLHS năm 2015. Khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất 20 năm tù. Hình phạt bổ sung phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Phạm Quang Xá cho rằng, trong vụ án này CQĐT sẽ làm rõ thủ đoạn phạm tội của đối tượng là gì, số lần đối tượng thực hiện hành vi uy hiếp nạn nhân để chiếm đoạt tài sản, số tài sản chiếm đoạt được từ nạn nhân, hiện tại số tài sản chiếm đoạt đang cất giấu ở đâu, trong vụ án này có đồng phạm khác hay không... để có củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Trong vụ án này, đối tượng dùng ảnh, clip "nóng" gửi để uy hiếp, yêu cầu nạn nhân đưa tiền và ép quan hệ tình dục. Với số tiền đối tượng đã chiếm đoạt của nạn nhân là trên 500 triệu đồng thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt lên đến 20 năm tù. Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà việc tống tiền bằng clip nóng của người yêu cũ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức phạt nêu trên.
Luật sư Phạm Quang Xá khuyến cáo, người quay phim, chụp ảnh giây phút yêu đương cần lường trước hậu quả có thể xảy ra. Khi công nghệ thông tin phát triển nên nhớ không có gì là bảo mật, vì vậy cần cân nhắc thật kỹ khi bấm nút quay trong giây phút yêu đương. Khi một trong hai người muốn điều đó, quay hay chụp là họ đã có ý định phòng thủ để tấn công đối tượng rồi. Nếu người thứ hai nghe lời thì xem như thất bại và bị ràng buộc lẫn nhau. Vậy nên khi làm như vậy là không có tư tưởng đúng đắn và đạo đức chuẩn mực.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại