Thứ sáu 08/11/2024 12:32
1001 nỗi lo của phụ huynh khi vào năm học mới:

Bài 4: Lo lắng về sức khỏe khi trẻ học online quá dài

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chưa thể kết luận bé nhà mình bị loạn thị do học trực tuyến, nhưng với chị P.T.H (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nỗi lo về sức khỏe và thể chất của trẻ nhỏ khi triền miên học online khiến chị luôn nhấp nhổm không yên.

Câu chuyện của chị H. với phóng viên liên tục ngắt quãng vì chị H. bận ra chỉnh lại tư thế ngồi, kéo lại khoảng cách giữa con gái với chiếc máy tính. Chị cho biết, trong mấy tháng nghỉ dịch vừa qua, ngoài việc tham gia những buổi học online do nhà trường tổ chức, chị còn đăng ký cho con một khóa tiếng Anh.

“Cũng bởi do dịch giã nên việc học tiếng tiếp tục diễn ra trên cái máy tính. Mặc dù không muốn con tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ, nhưng cực chẳng đã mà phải cho con theo. Vì trẻ con nghỉ dịch quá lâu, nếu không có chương trình để con học và tiếp nối mạch tư duy thì sợ sẽ quên hết cả kiến thức. Thế nhưng học đấy mà bao nhiêu nỗi lo về sức khỏe khác…” – chị H. tâm sự.

Bài 4: Lo lắng về sức khỏe khi trẻ học online quá dài
Bàn ghế không hợp lứa tuổi cũng có ảnh hưởng đến cột sống của trẻ. Ảnh minh họa

Chị cho rằng, thay bằng việc ngước nhìn lên bảng, việc trẻ con đưa mắt ngang nhìn màn hình máy tính khiến trả con bị ảnh hưởng về cột sống, về mắt khá nhiều. Bởi vì trẻ con không có sự chủ động như người lớn, mà việc ngồi không đúng tư thế, nhiều khi quá mệt mỏi trẻ gục xuống bàn cũng là nguy cơ khiến đốt sống lưng của trẻ bị ảnh hưởng.

“Tham vấn nhiều bác sỹ, tôi biết được rằng, ngoài việc trẻ liên tục đeo, vác nặng thì việc ngồi sai tư thế cũng là lý do khiến trẻ bị vẹo cột sống. Tư thế thường thấy nhất là ngồi lệch sang một bên, ngồi vẹo người… Lâu dần cột sống sẽ thay đổi cho thích hợp với dáng ngồi của trẻ, dẫn đến tình trạng lệch, vẹo. Tương tự, do học online ở nhà nên không phải gia đình nào cũng có không gian để bố trí cho trẻ chỗ học nên việc học thường diễn ra ở bàn uống nước, bàn ăn gia đình. Bàn ghế không hợp lứa tuổi cũng có ảnh hưởng tương tự. Trẻ ngồi học không thoải mái, không có điểm tì, tựa hợp lý sẽ rất dễ bị vẹo cột sống. Hoặc cả môi trường phòng học của trẻ thiếu sáng hoặc bàng đen bị chói cũng ảnh hưởng đến cột sống trẻ.” – chị H. cho biết.

Ngoài ra, theo lịch học năm nay, học sinh lớp 1 phải học từ sáng đến chiều, mỗi ngày 5 – 6 tiết, mỗi tiết học 40 phút… Với lịch học dày đặc như thế, liệu bọn trẻ có thực sự đảm bảo cả sức khỏe và tinh thần để mà theo được, đặc biệt, học sinh lớp 1 cần có một khoảng thời gian để “chuyển giao” giữa cấp học mẫu giáo lên học kiến thức phổ thông.

Không có quá nhiều nỗi lo về việc học online như có con học ở bậc tiểu học, chị N.N.B (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại lo lắng con sẽ căng thẳng khi chương trình giáo dục không giảm tải. Như năm học trước, việc học trực tuyến theo thời khóa biểu, học qua truyền hình, rồi luyện đề thi trên hệ thống học trực tuyến của Sở Giáo dục… Cả cô và trò đều quay cuồng trong việc học. Áp lực thi cử, học tập và việc chạy theo lịch học online khiến trẻ không có thời gian cho chính mình.

Chị nhớ lại thời điểm trước, khi mà Sở chưa có quyết định giảm tải môn thi vào lớp 10, cũng như độ khó, dễ của đề thi nên cô trò lớp 9 rất áp lực. Học sinh cuối cấp lúc ấy liên tục ngồi 9, 10 tiếng đồng hồ trước máy tính để học, luyện đề. Tối lại thức khuya để làm bài tập. Và thực tế, việc học online vất vả hơn học trực tiếp rất nhiều.

“Các con cũng dần mất đi hứng thú trong học tập. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ khiến con không còn thời gian để vận động cũng khiến tâm trạng bọn trẻ khó kiểm soát, trẻ cũng không còn nhanh nhẹn như trước… Nhiều trẻ kêu rằng chúng đau đầu, đau tai, đau mắt do nhìn quá lâu vào màn hình máy tính, điện thoại. Nếu gia đình không điều chỉnh kịp thời, thì e rằng sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra khi trẻ học online quá lâu.” – chị B. lo ngại.

Bên cạnh đó, chị cũng cho rằng, biết rằng việc học online là biện pháp thích hợp nhất ở thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, việc học online thực tế không đáp ứng kỳ vọng của nhiều phụ huynh cũng như giáo viên đứng lớp. “Việc dạy và học online không thực sự hiệu quả. Sự thiếu đi tương tác giữa học sinh và giáo viên khiến bài học không còn hấp dẫn. Một lý do nữa, việc học online lại là “điều kiện” lý tưởng để trẻ sa vào những chuyện riêng tư như chat chít với bạn, hoặc cũng có thể nghịch ngợm chơi online ngay trong buổi học.” – chị B. nêu quan điểm.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động