Thứ tư 09/10/2024 21:11
Toàn cảnh thị trường bất động sản Hà Nội trước giờ G

Bài 2: Nhu cầu nhà ở xã hội vốn đã nóng lại càng cấp thiết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đánh giá về kết quả triển khai thực hiện dự án Nhà ở xã hội (NƠXH), ông Lê Đình Chung - thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc SGO Homes cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 75 dự án NƠXH với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024 nhưng mới chỉ đạt 9,3% kế hoạch 2021-2025.
Bài 2: Nhu cầu nhà ở xã hội vốn đã nóng lại càng cấp thiết
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam

Đẩy mạnh phát triển phân khúc NƠXH được coi là “chìa khóa quan trọng nhất” giúp khơi thông nguồn cung

Giao dịch phân khúc NƠXH đã được cải thiện nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt khoảng 40% với hơn 800 giao dịch thành công. Giao dịch chủ yếu vẫn đến từ các tỉnh thành phát triển gắn liền với phát triển công nghiệp.

Bàn về phân khúc này, bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam cho biết: “Nhu cầu NƠXH vốn đã nóng lại càng trở lên cấp thiết khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ, gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này được coi là “chìa khóa quan trọng nhất” giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân”.

Dữ liệu nghiên cứu của VARs IRE cũng cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng một số dự án NƠXH xây xong nhưng vướng mắc không bán được, khiến nhiều nhu cầu không được "khớp lệnh". Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến cả chủ đầu tư và người dân đều thiệt hại. Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, trực tiếp tới từng dự án cụ thể để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề này.

Tại thị trường BĐS thứ cấp, nhu cầu vẫn đang tiếp tục hướng đến các sản phẩm thỏa mãn các yếu tố: có pháp lý sạch; có tiềm năng tăng giá tại các địa phương có quy hoạch tốt, có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng; có giá trị,... Nhu cầu đầu tư cũng có xu hướng dịch chuyển phân khúc chung cư sang đất nền vùng ven, nhà phố ngoại thành, trung tâm các tỉnh thành lân cận 2 đô thị đặc biệt.

Giao dịch đất nền vùng ven bắt đầu “tăng nhiệt” nhưng chưa thực sự “sôi động” với mức giá tiếp tục tăng khoảng 5-10% so với đáy. Lượng nhu cầu chuyển hóa thành cầu tăng trưởng, xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi “săn” đất, chủ động xây nhà tại các mảnh đất đầu tư chờ tăng giá để cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng. Hoạt động đấu giá đất tại một số địa phương ghi nhận số lượng hồ sơ tăng vọt trong thời gian gần đây; mức đấu giá thành công cao hơn từ 20% tới 10 lần so với giá khởi điểm.

Đáng chú ý, trong những tháng vừa qua thị trường đã ghi nhận sự quay trở lại hoạt động của 1.577 doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm 2023 đến hết quý 2/2024, đã có 4.589 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và 2.210 doanh nghiệp thành lập mới.

Về tình hình hoạt động của môi giới BĐS, các thị trường có tiến trình phục hồi tốt, có nhiều hơn dự án ra hàng ghi nhận số lượng sàn giao dịch, môi giới BĐS gia nhập mới, trở lại hoạt động tăng cao. Ước tính tổng số lượng bằng khoảng 60% so với giai đoạn "đỉnh". Trong khi một số khu vực ghi nhận thêm sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động. Cá biệt có những nơi gần như không còn “bóng dáng môi giới BĐS” như Lào Cai, Phú Yên...

Hà Nội đề xuất thêm 9 khu nhà ở xã hội

Bài 2: Nhu cầu nhà ở xã hội vốn đã nóng lại càng cấp thiết
Khu nhà ở xã hội cho công nhân tại Kim Chung – Đông Anh. Ảnh: NS

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô 668 ha ở các huyện ngoại thành. Theo báo cáo, Hà Nội có 5 dự án đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với quy mô hơn 200 ha, khoảng 12.300 căn hộ. Bốn trong số này đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, nằm tại các khu vực như Đông Anh, Mê Linh và Gia Lâm.

Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang đề xuất cấp có thẩm quyền xây mới 9 khu nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành, với quy mô diện tích hơn 660 ha.

Trong đó, 2 dự án có quy mô lớn nhất được đề xuất tại huyện Chương Mỹ, gồm dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Chúc Sơn có quy mô là 169 ha, với các tòa nhà cao 7 - 9 tầng, phục vụ dân số khoảng 13.500 người; và dự án tại xã Tân Tiến khoảng 127 ha cho quy mô dân 15.750 người.

Một số dự án khác tại xã Thạch Hòa (huyện Quốc Oai) khoảng 78 ha; tại quận Hà Đông khoảng 50 ha; tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) và xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) khoảng 105 ha; tại huyện Đan Phượng khoảng 22 ha; tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) khoảng 46,6 ha, là nơi trước đây đề xuất xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an; tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) khoảng 63 ha; tại thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) khoảng 13 ha.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 9 khu đất trên có 2 khu đất tại huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh với tổng quy mô nghiên cứu hơn 71 ha đất thuộc khu vực vành đai xanh, hành lang xanh, hạn chế dân số và chiều cao (1 - 3 tầng).

Động thái trên cho thấy những nỗ lực quyết liệt của các lãnh đạo cơ quan ban ngành trong công tác phát triển nhà ở xã hội. Vào đầu năm 2024, Hà Nội nằm trong danh sách những địa phương “chậm chân” trong cuộc đua phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, so với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội mới chỉ phát triển được 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu.

Tại một cuộc họp vào cuối tháng 5/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở ngành phải cam kết khởi công ít nhất một dự án nhà ở xã hội trước ngày 1/10/2024. “Mục tiêu cao nhất là xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất; khống chế lợi nhuận định mức bằng quy định của pháp luật để trước mắt, người thu nhập trên trung bình có thể mua được nhà”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn có được một căn nhà ổn định để sinh sống. Do vậy, các sở, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương cần quyết tâm tháo gỡ sớm để có nhiều hơn những dự án nhà ở xã hội được triển khai trong thời gian tới.

Sự quyết tâm phát triển phân khúc nhà ở xã hội của Hà Nội được cho sẽ đóng góp đáng kể vào tiến độ thực hiện các dự án thuộc loại hình này. Theo chỉ tiêu trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng cấp ngành liên quan và các địa phương hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.

(Còn nữa)

Bài 1: Nhiều dự án nhà ở mới được mở bán Bài 1: Nhiều dự án nhà ở mới được mở bán
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động