Bài 2: Mở rộng địa hạt lập vi bằng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhu cầu sử dụng vi bằng lớn
Theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 135/2013/NĐ-CP và Nghị định 61/2009/NĐ-CP đang được Bộ Tư pháp xây dựng thì việc lập vi bằng của TPL sẽ được mở rộng từ phạm vi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, nơi đặt Văn phòng TPL lại ra phạm vi toàn quốc. Bộ Tư pháp cho biết, trong giai đoạn thí điểm, do tính chất là một nghề mới nên đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp.
Tuy nhiên thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua và tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức đào tạo nghề TPL một cách bài bản. Các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề cũng sẽ được nâng cao nên năng lực, trình độ của TPL sẽ ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ.
Mặt khác, qua nghiên cứu pháp luật về công chứng cho thấy, chỉ đối với hoạt động công chứng các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản mới bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở (ngay cả với các loại giao dịch về bất động sản thì công chứng viên cũng không bị hạn chế công chứng về di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản).
Hoạt động lập vi bằng của TPL rất đa dạng về sự kiện, hành vi trên thực tế, có những sự kiện diễn ra từ tỉnh, TP này sang tỉnh, TP khác. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của TPL là phù hợp và cũng góp phần tạo điều kiện để tăng nguồn thu cho các văn phòng, đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, TP chưa thực hiện chế định TPL.
Đồng tình với việc mở rộng địa bàn lập vi bằng, ông Nguyễn Xuân Quỳnh – Phó trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, việc lập vi bằng theo địa hạt hiện nay đang là rào cản, có những vi bằng yêu cầu lập bên ngoài địa phương có Văn phòng TPL khiến TPL không được làm.
Trên thực tế, nội dung vi bằng được lập rất phong phú, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực, cho thấy việc lập vi bằng là yêu cầu chính đáng, cần thiết của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vi bằng của một số Văn phòng TPL lập đã được Tòa án sử dụng làm chứng cứ để xem xét giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, ly hôn. Nhiều vi bằng cũng được các cơ quan, tổ chức sử dụng trong các giao dịch, dân sự.
“Hiện TP Hà Nội có 8 Văn phòng TPL đang hoạt động, chủ yếu với hai việc chính là tống đạt và lập vi bằng. Việc tống đạt được các Văn phòng TPL thực hiện nghiêm túc, không bị chậm trễ dẫn đến phải hoãn phiên tòa hoặc chậm quyết định thi hành án. Còn về lập vi bằng, tính từ 1-1-2017 đến 30-9-2017, các Văn phòng TPL đã lập 3.996 vi bằng, với doanh thu hơn 8,694 tỷ đồng, tăng hơn so với các năm trước”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh thông tin.
Mở rộng phạm vi lập vi bằng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chế định Thừa phát lại. Ảnh: Tuấn Phong |
Bổ sung 7 nhóm trường hợp Thừa phát lại không được lập vi bằng
Thực tế cho thấy, phạm vi lập vi bằng là rất rộng, trên nhiều lĩnh vực, có thể nói bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, miễn là cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu và yêu cầu đó không trái pháp luật.
Tuy nhiên, từ phạm vi rất rộng đó dẫn đến nhận thức về nội dung, phạm vi lập vi bằng, ranh giới giữa những công việc thuộc phạm vi công chứng, chứng thực chưa rõ ràng, thống nhất từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Văn phòng TPL, Tòa án.
Để làm rõ hơn thẩm quyền lập vi bằng của TPL, khắc phục những hạn chế nêu trên liên quan đến thẩm quyền lập vi bằng của TPL, nhất là trong mối quan hệ với hoạt động công chứng và chứng thực, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định các trường hợp không được lập vi bằng bao gồm:
(1) Nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình (những người thân thích đã được quy định trong Nghị định).
(2) Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng như: Lập vi bằng xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật Nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật Nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.
(3) Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự, trái đạo đức xã hội.
(4) Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải công chứng, chứng thực; xác nhận giao dịch không rõ mục đích hoặc để che giấu một giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
(5) Lập vi bằng sự kiện, hành vi mà TPL biết rõ nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.
(6) Lập vi bằng sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
(7) Lập vi bằng sự kiện, hành vi TPL không trực tiếp chứng kiến.
Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung quy định vi bằng không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong vi bằng để phân biệt rõ với nội dung của văn bản công chứng, chứng thực và tránh hiểu sai về giá trị pháp lý của vi bằng.
Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại