Thứ hai 06/05/2024 21:57
Nỗi khốn khổ của người dân trong các dự án sai phạm:

Bài 1: Vất vả chuyện… đi thang máy

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo dự kiến, ngày 10/8 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử bị cáo Lê Thanh Thản (SN 1950, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) về tội Lừa dối khách hàng tại dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông).
Cảnh ngộp thở khi chờ thang máy thường xuyên diễn ra.  Ảnh: Huy Hùng
Cảnh ngộp thở khi chờ thang máy thường xuyên diễn ra. Ảnh: Huy Hùng

40 phút để di chuyển từ tầng 1 đến tầng… 20

Tuy nhiên, không chỉ đến dự án CT6 Kiến Hưng đại gia xứ Mường này mới có những sai phạm như Viện kiểm sát truy tố, mà trước đó, Mường Thanh cũng có nhiều những dự án “tai tiếng” khác. Điều đáng nói, những sai phạm của Mường Thanh đang từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đang sinh sống ở những dự án này.

Năm 2009, Bộ Xây dựng đã trao quyết định khu đô thị (KĐT) kiểu mẫu cho chủ đầu tư KĐT mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là KĐT đầu tiên của Hà Nội được bộ công nhận và được gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. KĐT này được kỳ vọng sẽ là “hướng phát triển cho nhà ở đô thị Việt Nam”. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, tất cả đã vỡ vụn. Từ một KĐT kiểu mẫu, là niềm tự hào của ngành xây dựng, sau 10 năm KĐT này đã thay đổi hoàn toàn so quy hoạch ban đầu, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của không ít cư dân sinh sống tại đây. Cùng với các khu chung cư nhất, tổ hợp HH Linh Đàm mọc lên thực sự biến KĐT vốn được cho là đáng sống trở thành “ác mộng” với nhiều người. Theo đó, tổ hợp HH với quy hoạch ban đầu sẽ xây dựng 12 tòa nhà nhỏ trên khu đất phía Tây Nam bán đảo Linh Đàm để làm khu văn phòng, khách sạn và nhà ở cao cấp. Chiều cao các tòa nhà khoảng 25-35 tầng tạo điểm nhấn. Mật độ xây dựng tại đây chỉ khoảng 20-30%.

Tuy nhiên, thực tế khu đất đã bị phá vỡ so với quy hoạch và biến thành tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa cao từ 36-41 tầng với khoảng 8.000 căn hộ, mật độ xây dựng hơn 50%. Mật độ dân cư đông, hạ tầng không đáp ứng đủ, người dân ở tổ hợp chung cư HH Linh Đàm hàng ngày đối diện với đủ các vấn đề khó chịu từ sự đông đúc này. Câu chuyện đầu tiên mà phóng viên ghi nhận, đó là chuyện cái thang máy.

Còn nhớ, phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có phát biểu “kinh điển” về vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhặt này. Theo đó, ông nói: “Tôi đã trực tiếp đi vào những khu nhà đó, đi từ tầng 1 đến khoảng tầng 20 bằng thang máy là mất khoảng 25 phút và từ tầng ấy xuống lại mất 15 phút nữa…”. Có nghĩa, chỉ việc đi lại bằng thang máy đến tầng 20 của tòa nhà 40 tầng ấy đã ngốn mất… 40 phút.

Thang máy “vỡ trận” vào giờ cao điểm

Thừa nhận việc bất cập của chiếc thang máy là có thật, anh N.H.L, cư dân của khu HH Linh Đàm cho biết, anh mới chuyển về đây hơn 1 năm, cuộc sống ở đây quả thực việc chờ đợi, di chuyển bằng thang máy khiến đôi lúc anh rơi vào… khủng hoảng.

Chuyện tắc nghẽn đầu giờ sáng, cuối giờ chiều ở sảnh thang máy đã trở thành nỗi ám ảnh. Nhất là buổi chiều, cư dân đứng chờ chật cả sảnh, hành lang, rồi mỗi khi thang máy mở cửa ở tầng một, người người ào vào, chen lấn, giẫm lên chân nhau, khổ nhất là bọn trẻ con ngày nắng nóng, vì chật nên càng ngộp thở. Theo lời anh L, bình thường tại khu chung cư này, vào khung giờ cao điểm là 7h đến 7h30 thang máy ngày nào cũng xảy ra tình trạng ùn ứ hoặc tắc nghẽn. Với buổi sáng là vậy, còn buổi chiều là khoảng thời gian từ 17h30 đến 18h30, nhiều gia đình phải đợi từ 15-20 phút mới có thể bắt thang máy từ tầng 1 lên đến tầng 30 hay 40. Để khắc phục, buổi sáng anh L rời nhà và đi làm từ 6h45, dù cơ quan 8h mới làm việc, cách nhà 10km. Và đen đủi, nếu ngày nào nỡ dậy muộn chỉ vài phút, thì anh sẽ lại phải chấp nhận cảnh thang kín người, vì quá tải nên thang sẽ bỏ đón người ở các tầng khác mà chạy thẳng xuống tầng một.

Và dĩ nhiên, sáng đi sớm nhưng chiều lại phải… về muộn. Bởi theo anh L, nếu về đúng giờ, tức là giờ tan tầm vào khoảng 17h30 thì sẽ lại… nghẽn thang máy. “Chấp nhận chờ muộn hẳn, tránh khung giờ cao điểm thì việc di chuyển về nhà sẽ dễ thở hơn. Thôi thì chấp nhận la cà tại cơ quan hay nán lại làm thêm một vài việc khác” – anh cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được linh động thời gian như anh L. Cùng nỗi khổ như những “đồng khu”, chị N.T.M cho biết, ở tòa chung cư chị ở có 3 thang máy dành cho cư dân từ tầng 1 đến tầng 20, 2 thang máy hoạt động từ tầng 20 đến hết, còn 1 thang máy dùng được cho toàn bộ các tầng. Nhà chị ở tầng 19, chỉ sử dụng được 3 thang máy đầu tiên. Vì là điểm đến cuối cùng nên khi gia đình chị M. muốn xuống thì được vào thang máy đầu tiên nhưng khi đi lên thì phải chờ qua các tầng lần lượt. Vào giờ cao điểm, khi thang máy "vỡ trận", nhiều hôm buổi chiều tan làm về, để lên được nhà, có khi phải mất cả nửa tiếng. Theo nhiều người dân ở đây, có những thời điểm để xử lý việc quá tải của thang máy, các cô lao công dọn vệ sinh phải hỗ trợ những người dân ở trên các tầng cao nhất bằng cách tạm thời khóa thang máy ở các tầng dưới để thang lên thẳng các tầng cao, “đón” cư dân để họ có cơ hội… được đi làm.

Cùng nằm trong danh sách những khu chung cư HH, chung những nỗi khổ như các khu khác, người dân KĐT Kim Văn - Kim Lũ không chỉ phải chịu cảnh tắc đường, ngột ngạt ở ngoài mà cư dân ở đây thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường ngay bên trong tòa nhà khi thang máy liên tục bị quá tải. Chị N.T.H, sống ở tầng 43 cho hay, ở đây xếp hàng chờ thang máy chẳng khác gì xếp hàng chờ mua thức ăn và lấy thức ăn thời bao cấp. Chị H cho biết, thỉnh thoảng do chờ thang máy lâu nên con chị đã chậm học, việc này là bình thường. Đến lớp cô giáo hỏi sao đến muộn, chị H. vẫn thường nói vui với cô là tắc đường ở trong chung cư!

Mục 2.4 yêu cầu về thang máy trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, QCVN 04:2018/BXD nêu rõ: Nhà chung cư từ 6 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, trên 9 tầng phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng. Trong nhà chung cư có thang máy, tối thiểu phải có 1 thang máy chuyên dụng có kích thước thông thủy của cabin đảm bảo vận chuyển băng ca cấp cứu. Cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 250 người sống (tương đương cho 65 căn hộ) trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt). Sức nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 400 kg. Trong trường hợp nhà có một thang máy, sức nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ 600 kg.

(Còn nữa)

Vĩnh Phúc: Tạm dừng, chấm dứt các dự án không phù hợp, không hợp thức hóa dự án sai phạm
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động