Thứ bảy 27/04/2024 15:45
"Hack" tài khoản ngân hàng:

Bài 1: Thẻ trong ví, không giao dịch mua bán nhưng… bỗng dưng mất tiền

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không ấn vào đường link lạ, không trao đổi thông tin, cũng không hề đánh mất thẻ… nhưng bỗng một ngày, chị N.V, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội, phát hiện thẻ tín dụng của mình liên tiếp bị rút tiền mặc dù chị không hề sử dụng thẻ.
Bài 1: Thẻ trong ví, không giao dịch mua bán nhưng… bỗng dưng mất tiền
Nhiều khách hàng cho biết, thẻ không bị mất, không giao dịch gì nhưng thẻ bỗng dưng mất tiền. Ảnh: L.N

Thẻ trong ví, không giao dịch mua bán những… bỗng dưng mất tiền

Mặc dù luôn cập nhật và tìm hiểu về các phương thức lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo online để có trang bị kiến thức phòng tránh, nhưng trong trường hợp “mất tiền” đợt rồi của chị, chị V. cho rằng, chị cũng… bó tay.

“Câu chuyện của tôi không giống với bất kỳ các chiêu thức nào mà tôi đã từng biết. Bởi rõ ràng không có cuộc điện thoại lạ, không trao đổi với người lạ qua mạng xã hội, thông tin cá nhân càng ít chia sẻ… thế nhưng bỗng dưng một ngày đẹp trời chiếc thẻ tín dụng nằm im trong ví không hề sử dụng bỗng đột ngột bị… rút tiền” – chị V. cho biết.

Theo lời chị V., những giao dịch được thực hiện bằng số thẻ tín dụng của chị toàn bộ là các cuộc mua bán online.

“Tôi không hề nhận được mã OTP (OTP (One Time Password - mật khẩu dùng 1 lần) là một chuỗi ký tự hoặc chữ số được ngân hàng tạo ra và gửi đến số điện thoại của người dùng nhằm xác nhận giao dịch. Mã OTP chỉ có thể được sử dụng một lần duy nhất và không thể tái sử dụng cho bất kỳ giao dịch nào khác – PV) xác nhận, vậy mà những đối tượng kia lại có thể mua bán bằng thẻ tín dụng của tôi được” – chị cho biết. Chị cũng giải thích thêm, thường khi sử dụng thẻ tín dụng, nếu sử dụng trực tiếp thẻ để quẹt thì sẽ không cần bất kỳ một xác nhận nào, tuy nhiên, khi sử dụng để thực hiện giao dịch online bắt buộc phải có số OTP để xác nhận.

Số tiền đã bị rút của chị V. lên đến hơn chục triệu, mặc dù đã liên hệ với ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ, tuy nhiên chị V. cũng cần có thời gian để ngân hàng tra soát rồi sẽ xử lý. “Tôi nghĩ có thể tôi đã bị lộ thông tin thẻ lúc đi du lịch tại Thái Lan. Cũng không hiểu cách nào mà họ lấy được toàn bộ thông tin thẻ rồi hack thẻ, từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ” – chị V. nói.

Vụ việc của chị V. không phải mới lạ, trước đó, chị Ng.N.B. (trú tại quận Hai Bà Trưng,, Hà Nội) cho biết, chị có sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng có hạn mức 40 triệu. Mới đây, khi đang đưa con đi học, mặc dù thẻ trong ví nhưng chị nhận được thông báo từ điện thoại chị bị rút mất gần 30 triệu đồng.

Ngay sau khi phát hiện, chị B. đã khóa thẻ, gọi hotline ngân hàng để khiếu nại sự việc. Thậm chí để cho nhanh, chị đã đi thẳng đến ngân hàng để gặp nhân viên yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, chị B. cũng phải làm giấy đề nghị tra soát rồi về đợi ngân hàng liên lạc lại.

“Thường thẻ tín dụng tôi sẽ giữ rất kỹ, cũng không hề cung cấp cho ai hình ảnh thẻ” – chị B. cho biết. Chị cũng nói thêm, chị cũng không hề dùng thẻ tín dụng để thanh toán online bất cứ một dịch vụ gì…

Bài 1: Thẻ trong ví, không giao dịch mua bán nhưng… bỗng dưng mất tiền
Chị B. cho biết, chị cũng "bỗng dưng" bị mất gần 30 triệu đồng trong thẻ. Ảnh: N.D

Tài khoản có 58 tỷ đồng bỗng còn 93 nghìn đồng

Nếu như việc hack thẻ tín dụng chỉ khiến các nạn nhân mất vài triệu đến vài chục triệu thì mới đây, một vụ ồn ào liên quan đến việc tài khoản tại ngân hàng bỗng dưng bị mất một số tiền "khủng" mặc dù chủ nhân không hề thực hiện bất cứ một giao dịch nào.

Cụ thể, đó là câu chuyện của bà N.T.L, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo đó, tháng 3/2021, bà L. có mở một tài khoản ở ngân hàng MSB mục đích để nhận “báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán”.

Tại ngày 7/10/2023, số dư tiền gửi của bà N.T.L. - theo Giấy xác nhận Thông tin tài khoản do chi nhánh ngân hàng MSB xác nhận – với số tiền hơn 58 tỷ. Sau thời điểm đó, bà L. cho hay không thực hiện giao dịch gửi tiền hay rút tiền nào khác.

Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, khi bà L. đến ngân hàng yêu cầu được sao kê từ khi mở tài khoản, bà hốt hoảng thấy tài khoản của mình chỉ còn 93.640 đồng. Điều đáng nói, trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều giao dịch chuyển rút tiền không phải do bà yêu cầu, thực hiện.

Ngoài ra, số dư trên sao kê không đúng với số dư mà ngân hàng thông báo trên Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/số dư tài khoản do ngân hàng cung cấp tại thời điểm tương ứng.

Và bà L. tiếp tục khẳng định không có bất cứ hành động nào liên quan đến các giao dịch chuyển rút tiền và không ký bất kỳ một lệnh chuyển rút tiền nào tại ngân hàng sau thời điểm ngân hàng xác nhận số dư hơn 58 tỷ đồng.

Liên quan đến việc này, chiều 26/3, MSB đã gửi thông tin cho biết, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng có quan hệ mật thiết với nhau (trước khi tham gia MSB). Ngân hàng này cho hay đã "chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ".

"Vụ việc đã được CATP Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu", phía ngân hàng thông tin. MSB khẳng định tôn trọng kết luận và phán quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

(Còn nữa)

Bắt ổ nhóm chuyên Bắt ổ nhóm chuyên "hack Facebook", chiếm đoạt khoảng 8 tỷ đồng
Bắt quả tang nhóm đối tượng hack tài khoản Facebook để lừa đảo chuyển tiền Bắt quả tang nhóm đối tượng hack tài khoản Facebook để lừa đảo chuyển tiền
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động