Thứ năm 28/03/2024 18:28
Thực thi cam kết và quy định về giảm phát thải khí hậu

Ba trọng tâm đột phá giúp Việt Nam xác lập vị thế địa kinh tế mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về nhận diện các trọng tâm đột phá giúp Việt Nam xác lập vị thế địa kinh tế mới trong bối cảnh thực thi cam kết và quy định về giảm phát thải khí hậu.
Ba trọng tâm đột phá giúp Việt Nam xác lập vị thế địa kinh tế mới
Thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí hậu đòi hỏi sự vào cuộc, hưởng ứng của không chỉ bộ máy hành chính mà còn của toàn bộ người dân, doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Cơ hội và thách thức trong thực hiện cam kết về giảm phát thải khí hậu

Theo báo cáo, Hội nghị COP 26 và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn thời đại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Những cam kết này phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, và là động lực thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang hướng hiện đại hóa, đồng thời cũng cho thấy Việt Nam có cơ hội tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nguồn lực về công nghệ, tài chính để mở ra nhiều cơ hội hợp tác nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Ban IV cho rằng, nếu không có những biện pháp đầy tham vọng và tạo sự thay đổi trên toàn hệ thống, với cách thức triển khai tập trung, khoa học, quyết liệt, Việt Nam sẽ khó có thể hiện thực hóa các cam kết. Điều này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc, hưởng ứng của không chỉ bộ máy hành chính mà còn của toàn bộ người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá khái quát bối cảnh quốc tế, khu vực, Ban IV cho rằng, dù có không ít khó khăn trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, nhưng quá trình chuyển đổi và xây dựng “trật tự xanh” trên phạm vi toàn cầu được cho là tất yếu và không thể tránh khỏi. Ngày càng nhiều quốc gia cam kết đạt phát thải ròng cacbon bằng 0, thể hiện sự công nhận “thời khắc phải hành động đã đến”

Dẫn chứng khu vực ASEAN – nơi có tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là một trong những điểm sáng của kinh tế châu Á, trong xu thế chung của thế giới, nhiều nước ASEAN đang tiến thoái lưỡng nan trong việc đánh đổi những lợi thế cạnh tranh vốn có (tài nguyên hóa thạch, nhân công giá rẻ...) để theo đuổi các mục tiêu bền vững.

Trong đó, Thái Lan đang đặt tham vọng vào mô hình kinh tế “Xanh - Tuần hoàn - Sinh học”, với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và trở thành trung tâm sản xuất pin điện (EV battery). Malaysia cùng với Thái Lan, Việt Nam cũng đã có tuyên bố và cam kết giảm phát thải carbon, trong đó Malaysia đặt ra tham vọng đầy thách thức với cam kết vô điều kiện giảm 45% cường độ phát thải carbon so với năm 2005.

Trong khi đó, Indonesia và Philippines hiện nay đang trong quá trình thảo luận, đề xuất và chưa đưa ra cam kết cụ thể do cân nhắc các vấn đề nội sinh trong quốc gia về việc đánh đổi lợi thế tài nguyên để theo đuổi mục tiêu bền vững. Duy nhất Singapore là quốc gia không chịu thách thức về bài toán như các quốc gia nêu trên nhưng lại rất nhanh chóng nhận diện được cơ hội và đặt mục tiêu trở thành “trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”.

Trong bối cảnh đó, Ban IV chỉ ra 4 thách thức đối với Việt Nam, bao gồm: Một là, khi các biện pháp điều chỉnh thuế carbon (CBAM của EU, đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ...) được áp dụng, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng chi phí xuất khẩu dẫn đến nguy cơ mất tính cạnh tranh. Hai là, khi toàn cầu chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch, Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt năng lượng do các nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, với chi phí sản xuất cao gấp 6 lần năng lượng tái tạo. Ba là, Việt Nam có nguy cơ giảm sự ủng hộ quốc tế, đánh mất cơ hội chuyển dịch khi không có được tiếng nói chung trong các vấn đề xanh, bền vững. Bốn là, nền kinh tế có nguy cơ chậm chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao và ngày càng mất vị thế trong chuỗi cung ứng mới.

Những trọng tâm đột phá tạo ra thế và lực vững chắc cho Việt Nam trong tương lai

Việt Nam là một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất khi cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với mục tiêu trung gian đến năm 2030 là giảm 43,5% lượng khí thải của đất nước so với năm 2014 (vô điều kiện). Để thực hiện tham vọng này, Việt Nam không thể không có những hành động thay đổi đột phá nhằm tái định vị lại vị thế quốc gia trong ngắn hạn và đảm bảo cho mục tiêu đã cam kết trong dài hạn.

Các chuyên gia nhận diện, ba trọng tâm đột phá có thể giúp Việt Nam thay đổi cuộc chơi, tạo thế và lực bền vững trong tương lai, bao gồm:

Trọng tâm đầu tiên là đặt tham vọng trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, thủy điện) khu vực Đông Nam Á, tạo lợi thế trong chuỗi sản xuất, cung ứng năng lượng sạch toàn cầu. Về dài hạn, năng lượng tái tạo là yếu tố cốt lõi để khai phá các cơ hội phát triển một nền công nghiệp xanh bền vững, sản xuất nhiên liệu mới, và tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế từ lợi thế nguồn năng lượng giá rẻ (ước tính vào năm 2050, giá năng lượng tái tạo sẽ rẻ hơn khoảng 6 lần so với các nhiên liệu hóa thạch).

Trọng tâm thứ hai, dựa trên lợi thế từ nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể phát triển các liên khu công nghiệp xanh, xuất khẩu dọc bờ biển. Một mặt, Việt Nam hướng tới việc xanh hóa các ngành công nghiệp phát thải cao hiện hữu (thép, cơ khí, hóa dầu, xi măng..) để giảm thiểu nguy cơ chịu thuế các bon xuyên biên giới bằng việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm giá thành sản xuất và giảm phát thải carbon. Mặt khác, Việt Nam có thể khai phá các ngành công nghiệp mới tiềm năng như sản xuất nhôm xanh, nhiên liệu thay thế từ năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu dưới biển, hoặc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để tạo lợi thế trong tương lai. Bên cạnh đó, việc phát triển liên khu công nghiệp dọc bờ biển góp phần tạo ra sức mạnh đồng thời về địa chính trị, địa kinh tế và địa an ninh của Việt Nam trong khu vực.

Trọng tâm thứ ba, dựa trên cơ sở của phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có cơ hội sản xuất nhiên liệu xanh và nhiên liệu thay thế (Hydro xanh, Ammonia xanh, và các nhiên liệu sinh học tiên tiến) trước mắt phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu các thị trường có nhu cầu lớn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines,...), đồng thời tận dụng cơ hội chuyển dịch chuỗi cung ứng nhiên liệu mới toàn cầu.

Theo Ban IV, 3 trọng tâm đột phá trên có quan hệ tương hỗ, hợp lực giúp tạo ra thế và lực vững chắc cho Việt Nam nhảy vọt trong thế cuộc mới. Năng lượng tái tạo là nền tảng, điều kiện hỗ trợ quan trọng, cung cấp điện xanh với giá cạnh tranh cho việc phát triển các cụm công nghiệp xanh và sản xuất nhiên liệu xanh (Hydro xanh lục, Ammonia xanh, nhiên liệu sinh học). Việc phát triển nhiên liệu xanh, nhiên liệu thay thế có quan hệ tương hỗ chặt chẽ, thông qua tạo cung - cầu cho việc phát triển cụm công nghiệp xanh xuất khẩu dọc bờ biển. Nhiên liệu xanh là nguồn cung đầu vào quan trọng để xanh hóa ngành công nghiệp phát thải cao hiện hữu (thép, hóa dầu, xi măng,…) và phát triển các ngành công nghệ cao mới (nhôm alumina, trung tâm dữ liệu, bán dẫn). Ngược lại, hạ tầng từ cụm công nghiệp xanh xuất khẩu cũng hỗ trợ tối đa cho việc phát triển xuất khẩu Hydro xanh. Việc phát triển 3 trọng tâm này vì thế, có thể tạo ra thế chân kiềng vững chắc và nguồn lực dồi dào cho sự phát triển dài hạn của đất nước.

Một số đề xuất nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm thải carbon

Căn cứ quá trình nghiên cứu, đánh giá, tư vấn từ các chuyên gia quốc tế, trong nước, Ban IV đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 5 vấn đề:

Một là, đề xuất Thủ tướng định hướng chỉ đạo để nghiên cứu chi tiết 3 trọng tâm đột phá nêu trên và các cơ hội/giải pháp khác nhằm sớm có hành động, quyết sách quốc gia giúp Việt Nam chuyển mình trong thời kỳ mới. Bởi xu thế phát triển bền vững toàn cầu là xu thế tất yếu, có khả năng tạo ra các biến đổi lớn trong cạnh tranh, phân phối chuỗi cung ứng của tất cả các quốc gia. Do đó, ngoài việc tính toán để sớm thích nghi, đáp ứng các cam kết trong luật chơi mới, Việt Nam cần sớm xác định thế cuộc, nắm bắt cơ hội thông qua việc lựa chọn một số hướng đi trọng tâm đột phá để thay đổi căn bản nền kinh tế.

Hai là, mục tiêu trung hòa carbon bằng “0” tới năm 2050 là một quá trình dài, cần có sự hoạch định rõ ràng và triển khai đồng bộ giữa Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Ban IV kiến nghị Thủ tướng xem xét, định hướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và đội ngũ chuyên gia uy tín để nghiên cứu xây dựng lộ trình hành động rõ ràng, tổng thể ở cấp quốc gia về giảm thải carbon, hướng tới mục tiêu trung gian năm 2030 và mục tiêu trung hòa carbon bằng “0” năm 2050.

Ba là, để đạt được các mục tiêu thách thức về giảm thải carbon như đã đề ra song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các quy định về thuế các bon ở các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, Việt Nam cần một cơ chế rõ ràng, minh bạch nhằm tạo cơ sở, tiền đề cho việc kiểm soát và phát triển thị trường carbon trong nước, hướng tới phát triển thị trường carbon trong khu vực. Để bắt đầu một thị trường carbon minh bạch và cụ thể hóa thông điệp, chỉ đạo của Thủ tướng, Ban IV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ban ngành liên quan phối hợp đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành cơ chế tính giá carbon trong ngắn hạn, dài hạn đồng thời với việc xây dựng hệ thống kiểm soát, giám sát, báo cáo phát thải cacbon (MRV); nhanh chóng nâng cao hiểu biết của các bên liên quan về các cơ chế này để rút ngắn thời gian thực thi. Một số chương trình thí điểm có thể cho phép tiến hành sớm trước khi các khung chính sách, pháp lý chung ra đời.

Bốn là, nguồn vốn là một trong những yếu tố cốt lõi để thực hiện các đầu tư mang tính đột phá, đảm bảo cho mục tiêu “Net Zero 2050” và phát triển bền vững. Ban IV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ, ban ngành có các nghiên cứu cải thiện và hoàn thiện chính sách nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn xanh, phát triển mạnh các sản phẩm tài chính xanh (VD: đặt ra các quy tắc, hướng dẫn các bên tham gia thị trường trái phiếu xanh, mở cửa thu hút đầu tư công nghệ mới, năng lượng tái tạo, chính sách thu hút nhà đầu tư mỏ neo, thành lập các quỹ nghiên cứu công nghệ, môi trường,…).

Năm là, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phát động trong cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà khoa học, ...các chương trình xây dựng sáng kiến, ý tưởng kinh doanh đổi mới sáng tạo từ nội lực trong nước để đóng góp cho xu thế phát triển mới. Điều này có giá trị rất lớn để tạo động lực, gia tăng niềm tin và đặc biệt là kích hoạt được “tinh thần sáng tạo Việt Nam” trong lộ trình đầy thử thách tới đây.

Kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao
Thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2022
Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác kinh tế - phát triển quan trọng hàng đầu
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động