Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường có thực sự giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì |
Đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng
Ngày 15/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về dự án luật thế tiêu thụ đặt biệt (sửa đổi). Tại Hội thảo, các đơn vị, chuyên gia cũng đã nêu ý kiến, đề xuất trong việc điều chỉnh thuế TTĐB sắp tới.
Nội dung đáng lưu ý của đề xuất xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này là: Bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt cho rằng, ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng bởi luật thuế TTĐB, với những đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, do vậy các ý kiến đóng góp của ngành hàng là rất quan trọng để bảo đảm chính sách pháp luật khi ban hành có sự đồng thuận cao, hài hòa lợi ích cũng như bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững.
Ngày 21/2, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các sắc thuế đối với đời sống, kinh tế-xã hội.
Bộ Tài chính cũng đề xuất trình Chính phủ tiến độ của dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) gồm: Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị sửa đổi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Đại diện cho cộng đồng DN, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Một sắc thuế TTĐB tốt ngoài các mục tiêu trên còn cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Tuấn cũng đưa ra quan điểm, trong bối cảnh DN đang phục hồi sau đại dịch, việc đưa ra chính sách thuế này có phù hợp với chủ trương hỗ trợ DN, người dân hay không? lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước; bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu còn rất khó khăn.
Về phía đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) đề nghị Bộ Tài chính bỏ đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn khỏi Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Bởi hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về “đồ uống có đường”. Nếu đề xuất được thông qua, cả ngành thực phẩm và đồ uống, vốn đang chật vật phục hồi sau Covid-19, sẽ đối mặt thêm gánh nặng tài chính. Điều này cũng tạo thêm áp lực cho các gia đình khi phải chi trả cao hơn cho nhiều loại thực phẩm thông thường.
Cần có lộ trình để thay đổi
Lãnh đạo VBA kiến nghị, cần xem xét chưa sửa đổi Luật thuế TTĐB ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp các DN ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch; không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật thuế TTĐB cần được xem xét, thảo luận và thông qua tại hai Kỳ họp Quốc hội; cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật.
Ông Đỗ Thái Vương, Phó tổng GĐ phụ trách Đối ngoại và Truyền thông Cty TNHH Nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam cho rằng, DN rất chia sẻ với mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi DN đang chịu mức tăng nguyên vật liệu vượt quá khả năng gánh chịu. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm bia, có thể khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm phi chính thống.
Ông Vương nhấn mạnh, hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường. Mặt khác, nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng nêu vấn đề có sửa đổi quy định hay không, trường hợp nếu sửa thì lý do tăng thuế, các mặt hàng chịu thuế sẽ như thế nào, phương pháp tính thuế ra sao cho phù hợp, việc bổ sung thêm loại đồ uống có đường, thức uống đại mạch cần phải được đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng?
Theo đó, ông Hạ đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến theo tinh thần làm luật là “từ sớm từ xa”. Ban soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến đa chiều, mọi mặt. Mục tiêu trao đổi thấu đáo, rõ vấn đề, gắn với các kinh nghiệm quốc tế, cũng như các thứ tự ưu tiên trong quản lý chính sách.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại