Thứ năm 21/11/2024 15:59

Áp dụng Luật Thủ đô 2024

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13. Đáng chú ý, Luật có điều riêng quy định về áp dụng Luật Thủ đô...
Áp dụng Luật Thủ đô 2024

Các hoạ sĩ trẻ chung tay góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Khánh Huy

Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Hà Nội, Điều 4 Luật Thủ đô 2024 quy định về áp dụng Luật Thủ đô như sau:

Để tạo cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô năm 2024 với các luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực về cùng một vấn đề, nhưng vẫn bảo đảm minh bạch và thứ bậc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủ đô năm 2024 bổ sung Điều 4 quy định về áp dụng Luật Thủ đô.

Quy định về áp dụng Luật Thủ đô nhằm xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết của Quốc hội, giữa văn bản quy định chi tiết, văn bản do Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền Thành phố ban hành để thực hiện những nội dung được phân quyền trong Luật Thủ đô với văn bản của các cơ quan nhà nước khác là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô sau khi được ban hành. Cụ thể:

Quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác với quy định về cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực (khoản 1 Điều 4).

Quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một số vấn đề mà cần được áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 4).

Đồng thời, để dự phòng các trường hợp luật, nghị quyết ban hành sau chưa dự liệu được đầy đủ nội dung áp dụng pháp luật liên quan đến các quy định của Luật Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 quy định trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai cho thấy áp dụng quy định này cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và nội dung này cần được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất (khoản 2, Điều 4).

Để bảo đảm tính khả thi của quy định trên, Luật Thủ đô năm 2024 quy định khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định khác về cùng vấn đề với Luật Thủ đô thì cần xác định việc áp dụng theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 50).

Đồng thời, giao trách nhiệm cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất việc áp dụng quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô mà việc áp dụng quy định đó sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho ý kiến trước khi báo cáo đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (điểm đ khoản 5 Điều 52).

Để bảo đảm hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 quy định các văn bản này được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề (khoản 3 Điều 4).

Đây là quy định hết sức cần thiết bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở trung ương thực hiện.

Do đó, không thể tránh khỏi trong các văn bản quy định chi tiết hay quy định thực hiện thẩm quyền mà Luật Thủ đô giao có nội dung khác với quy định trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các nội dung được phân quyền trong Luật Thủ đô năm 2024 được rành mạch hơn, khắc phục những vướng mắc lớn trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai.

Phối hợp với các tỉnh đề xuất, triển khai phát triển vùng Phối hợp với các tỉnh đề xuất, triển khai phát triển vùng
Chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật Chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động