Thứ tư 15/05/2024 11:22

Ảnh hưởng của bệnh cường giáp tới sự phát triển và tính mạng của trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh cường giáp ở trẻ, nếu không được phát hiện và điều trị sớm trẻ sẽ gặp những biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch, vận động… ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ, sự phát triển thể chất, trí tuệ, thậm chí đe dọa tính mạng.
Ảnh hưởng của bệnh cường giáp tới sự phát triển và tính mạng của trẻ
Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhi mắc bệnh cường giáp. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, mới đây, bệnh nhi Nguyễn T.N.A (14 tuổi, trú tại TP Hạ Long) khám sức khỏe tại Bệnh viện Bãi Cháy phát hiện tuyến giáp to độ II, không khó thở, nuốt nghẹn. Kết quả xét nghiệm chỉ số hormone tuyến giáp tăng cao (FT4>100 pmol/l). Các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh lý cường giáp và điều trị kháng giáp, chẹn beta giao cảm. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng trẻ tạm ổn định, xuất viện và kê đơn điều trị tiếp.

Nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp ở trẻ em rất đa dạng như do bệnh basedow (chiếm tới 98%), các bệnh lý gây viêm tuyến giáp bẩm sinh, dùng i ốt thời gian dài dự phòng bệnh bướu cổ. Cường giáp ở trẻ sơ sinh chủ yếu do mẹ của trẻ đã hoặc đang mắc bệnh cường giáp. Nếu mẹ bị cường giáp thì 2% trẻ sơ sinh cũng bị cường giáp.

Theo BS Vũ Thị Bầu, Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh cường giáp không thường gặp ở trẻ nhỏ, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim), thần kinh (suy giảm trí nhớ, kích động, lú lẫn, nói sảng), hệ cơ xương (nhược cơ, liệt cơ), chậm phát triển, ảnh hưởng đến ngoại hình thẩm mỹ của trẻ như mắt lồi, bướu cổ.

Đặc biệt biến chứng cấp tính là cơn nhiễm độc giáp xảy ra đột ngột với các triệu chứng như thân nhiệt tăng cao, vã mồ hôi, nôn ói, tiêu chảy, kích động, mê sảng, liệt cơ, hôn mê, nhịp tim rất nhanh, loạn nhịp, suy tim và cuối cùng dẫn đến trụy tim mạch…có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh cường giáp ở trẻ nhỏ có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ cũng lưu ý, phụ huynh có thể nhận biết những dấu hiệu cường giáp điển hình như: bướu cổ nhìn hoặc sờ thấy được, mắt lồi, sụp mí, khả năng tập trung kém, lo lắng hồi hộp, nóng, vã mồ hôi, run chân tay, tăng nhịp tim, sụt cân, chậm lớn…Việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhỏ tại các cơ sở y tế chuyên khoa cũng giúp phát hiện sớm bệnh, kịp thời điều trị tránh biến chứng nguy hiểm.

Bị bệnh cường giáp, khi thấy những biểu hiện bất thường này cần đến bệnh viện ngay
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động