Chủ nhật 28/04/2024 07:27

3 hình ảnh biểu tượng của phim "Đào, phở và piano" mang ý nghĩa gì?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hình ảnh biểu tượng của phim là đào, phở và piano mang những ý nghĩa sâu sắc, gắn bó với Hà Nội.
3 hình ảnh biểu tượng của phim
Các diễn viên trong phim "Đào, phở và piano". Ảnh: Đoàn làm phim

Phim điện ảnh "Đào, phở và piano" là phim Nhà nước đặt hàng với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Phim từng được chiếu miễn phí tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2022 và Liên hoan phim Việt Nam năm 2023. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phim chưa thực sự được chú ý.

Tết 2024, phim trình chiếu tại duy nhất một cụm rạp ở Hà Nội, nhưng cũng không gây được tiếng vang. Cho tới hết kỳ nghỉ Tết, bộ phim bất ngờ trở thành chủ đề được bàn luận trên mạng. Nhiều khán giả phản ánh phim khó đặt vé vì suất chiếu hạn chế, thậm chí website của nhà rạp bị sập vì lượng người truy cập đặt vé quá đông. Để đáp ứng nhu cầu xem phim của công chúng, nhà rạp thông báo mở thêm nhiều suất chiếu, từ 3 suất chiếu thành 18 suất hiện tại.

Doanh thu của phim vì thế cũng tăng lên đáng kể. Tính đến ngày 19/2, Đào, phở và piano vươn lên vị trí thứ tư về doanh thu một ngày tại rạp, xếp sau 3 phim: Mai, Gặp lại chị bầu và Gia đình X Điệp viên mã: Trắng. Đến nay, phim thu về gần 400 triệu đồng doanh thu.

Phim gây ấn tượng bởi khắc họa vẻ đẹp bi hùng của quân và dân Hà Nội trong những ngày đạn bom khói lửa của mùa xuân 1947.

Phim kể về cô tiểu thư nhà trí thức (Cao Thị Thùy Linh) trốn gia đình từ quê về lại căn nhà ở Hà Nội để tìm cây đàn dương cầm yêu quý của mình thì tình cờ gặp lại người đàn ông mình thương nhớ. Anh là lính Vệ quốc quân (Doãn Quốc Đam), đang làm nhiệm vụ ở chính con phố cổ nơi gia đình cô sinh sống.

Với sự giúp đỡ của những người tốt bụng, hai người đã nên duyên vợ chồng, có một đám cưới đơn sơ giữa trận mạc hoang tàn của phố phường Hà Nội, vào đúng khoảnh khắc chuyển giao của đất trời.

Với tên phim "Đào, phở và piano", khán giả có thể nhận ra ngay 3 hình ảnh biểu tượng của phim là đào, phở và piano. Đây là những hình ảnh xuất hiện nhiều trong phim và gắn liền với các nhân vật.

Cành đào là món quà ngày Tết anh lính liều mình kiếm từ vườn đào Nhật Tân mang về trận địa, mong mang chút không khí ngày xuân cho các đồng đội.

Phở là biểu tượng của tinh hoa ẩm thực Hà thành, cũng là nỗi nhớ của mỗi người lính và người dân, ngay cả khi họ đang ở trong lòng Thủ đô. Phở cũng gắn liền với hình ảnh vợ chồng hàng phở nán lại Hà Nội thêm một đêm để nấu nồi phở phục vụ các chiến sĩ Cách mạng.

Cây đàn piano đại diện cho tình yêu nghệ thuật, ước nguyện hòa bình, tính cách lãng mạn của người Hà Nội. Dù trong điều kiện gian khó, những nét đẹp trong văn hóa vẫn được người dân Thủ đô giữ gìn.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng phim có những tìm tòi sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, đặc biệt là dấu ấn của đạo diễn Phi Tiến Sơn khi tạo ra một bộ phim thể hiện đúng tinh thần và khí chất của người Hà Nội những năm 1946-1947. Phim cũng từng đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại Đà Lạt hồi cuối năm ngoái.

Phim bỗng nhiên trở thành “hiện tượng” phòng vé bởi nhiều điểm sáng như phim nội dung tốt, có sự đầu tư chỉn chu về kịch bản, diễn xuất cũng như bối cảnh. Việc “Đào, phở và piano” chỉ chiếu thí điểm duy nhất ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) cũng tạo ra cơn sốt săn vé khi mỗi ngày chỉ có vài ngàn vé được bán ra.

“Đào, phở và piano” được khán giả chú ý cho thấy phim Nhà nước vẫn có thể hút khách nếu như ê-kíp phim có cách làm mới, với tư duy mới, cùng với cách quảng bá tác phẩm tốt để kéo khán giả đến rạp.

“Đào, phở và piano” bất ngờ trở thành “hiện tượng” phòng vé “Đào, phở và piano” bất ngờ trở thành “hiện tượng” phòng vé
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động