“Đào, phở và piano” bất ngờ trở thành “hiện tượng” phòng vé
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐạo diễn Phi Tiến Sơn chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên tại phim trường. Ảnh: Đoàn làm phim |
Mùa phim Tết 2024 chứng kiến nhiều hiện tượng phòng vé khi “Mai” của Trấn Thành lập kỳ tích bộ phim có doanh thu ngày đầu cao nhất mọi thời đại, Trấn Thành trở thành đạo diễn Việt Nam đầu tiên có doanh thu tổng dự án phim vượt mốc 1.000 tỷ đồng và mới đây, bộ phim đề tài lịch sử “Đào, phở và piano” bất ngờ tạo cơn sốt cho khán giả.
Điều lạ là đây không phải là một tác phẩm thương mại được đầu tư quảng bá truyền thông rầm rộ nhưng chất lượng và thông điệp của bộ phim đã chiếm trọn trái tim khán giả.
Nhiều khán giả đùa vui, bộ phim “Đào, phở và piano” có cuộc chiến “săn vé” khó nhằn nhất bởi phim hiện chỉ chiếu duy nhất tại Rạp chiếu phim quốc gia.
Ghi nhận của PV, tại Rạp chiếu phim quốc gia dịp cuối tuần, các suất chiếu luôn hết ghế, có thời điểm toàn bộ số ghế được bán hết cho 2 ngày sau, lượt truy cập mua vé online cao kỷ lục khiến trang website Trung tâm Chiếu phim quốc gia quá tải.
Ban đầu, bộ phim có 3 suất chiếu sau tăng lên 5 suất chiếu và hiện có 10 - 15 suất tại rạp quốc gia. Website đặt vé của rạp liên tục sập mạng do lượng người truy cập đặt vé tăng đột biến, có lúc đạt hơn 30.000 lượt truy cập cùng lúc.
Từ hiệu ứng bộ phim, nhà sản xuất thông báo sẽ kéo dài đến 10/3 so với lịch dự kiến ban đầu.
Ông Vũ Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia gọi đây là “hiện tượng trước nay chưa từng có”.
Bộ phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn kiêm biên kịch Phi Tiến Sơn tái hiện không khí của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm năm 1946-1947 của quân và dân Thủ đô chống lại thực dân Pháp xâm lược. Bộ phim có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng từ kịch bản, bối cảnh, diễn xuất. Thước phim đậm chất điện ảnh về con người Hà Nội xưa. Cốt cách con người Hà Nội xưa đẹp đẽ ngay chính hoàn cảnh bi thương nhất.
Giữa thời chiến hoạn lạc, nhưng cái chất của người Hà Nội vẫn thể hiện rõ ràng, đậm chất thơ khi chờ một nắm hành thơm Nhật Tân cho đủ vị, thảnh thơi xay bột bằng cối đá, tráng bánh phở,… Bộ phim từng ra mắt khán giả vào tháng 9/2023 và được giới chuyên môn đánh giá cao giải thưởng, giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức ở Đà Lạt.
Phục dựng một khu phố cổ Hà Nội thập niên 1940 làm bối cảnh phim. Ảnh: Đoàn làm phim |
Với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, phim quy tụ dàn diễn viên thực lực: Doãn Quốc Đam (chiến sĩ tự vệ), Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), NSƯT Trần Lực (ông họa sĩ), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán), NSND Trung Hiếu (cha xứ), nghệ sĩ Anh Tuấn (ông bán phở)...
Theo họa sĩ Viết Hưng, họa sĩ thiết kế phim “Đào, phở và piano”, để tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946 đến đầu 1947, đoàn làm phim “Đào, phở và piano” đã dựng một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải (Phúc Yên).
Sau hơn 5 tháng thi công, một khu phố cổ Hà Nội thập niên 1940 với các cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, toa tàu điện,… cùng bối cảnh chiến lũy năm xưa.
Đầu tư bối cảnh giúp nhà quay phim khai thác góc máy mở, không phải cắt đúp nhiều lần. Chính sự đầu tư nghiêm túc về hình ảnh, bối cảnh, kịch bản là “điểm cộng” tạo sức hút phòng vé của bộ phim với đề tài lịch sử. Đây cũng là bộ phim về đề tài lịch sử hiếm hoi do Nhà nước đặt hàng “cháy” vé và trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại