Vi phạm trong hoạt động khai thác đất ở Vĩnh Phúc - Kỳ 3: UBND huyện Lập Thạch “buông lỏng” quản lý?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVi phạm trong hoạt động khai thác đất ở Vĩnh Phúc: San phẳng núi đồi làm dự án “vườn – ao – chuồng” | |
Vi phạm trong khai thác đất ở Vĩnh Phúc: Đoàn xe “khủng bố” rầm rộ các tuyến đường thôn xã |
Vi phạm công khai…
Trước “thực trạng” vi phạm trong khai thác tài nguyên đất diễn ra công khai tại huyện Lập Thạch đã được ghi nhận phản ảnh. Trao đổi với PV báo PL&XH, lãnh đạo UBND huyện Lập Thạch cũng cho biết, một trong những khó khăn mà lực lượng chức năng huyện đang vấp phải, chính là việc kiểm soát tải trọng. Hàng trăm xe (chở đất) ra vào các mỏ được cấp phép hạ cốt khai thác, khiến cơ quan chức năng ở Lập Thạch… rất khó khăn trong chỉ đạo và quản lý.
“Lực lượng công an thì mỏng, khắp huyện này thì làm sao mà làm được cái gì? Còn các văn bản chỉ đạo xử lý, cũng như tinh thần chung của UBND huyện Lập Thạch là rất quyết liệt. Chúng tôi đã xử lý rất nhiều các trường hợp, bằng rất nhiều các văn bản chỉ thị, thậm chí có cả Nghị quyết của huyện ủy để chỉ đạo về xử lý vấn đề này. Thế nhưng mà, đây là mặt trái của quá trình… nếu như chả có đất đồi thì chả có việc này” – ông Hà Văn Quyết cho biết.
Xe tải trọng lớn chở đất hoạt động trên đường bê tông thôn Vinh Hoa xã Tử Du, không được phát hiện do lực lượng chức năng mỏng? |
Lãnh đạo UBND huyện cũng đưa ra một ví dụ về tình trạng “nhập nhèm đen trắng” lẫn lộn người ngay kẻ gian trong hoạt động khai thác đất ở địa phương. “Ví dụ như cấp phép ở đồi Núi Hiệu, ngay bên cạnh đó lại có một chỗ có thể lấy đất được, khi có người giở trò đánh lận con đen, vào khoét lấy trộm một ít, chẳng hạn thế, thì phải xử lý nhưng “lẫn lộn xe cộ” rất là khó.” – ông Hà Văn Quyết than thở.
Thực tế cho thấy, hoạt động vi phạm trong khai thác khoáng sản tại huyện Lập Thạch diễn ra công khai, chứ không hề lén lút. Nên việc lãnh đạo UBND huyện Lập Thạch đưa ra các “lý do” để nói rằng việc xử lý vi phạm “rất khó” hoặc không xử lý được cũng là thiếu thuyết phục.
Hình ảnh xe tải trọng lớn băng qua các tuyến đường liên thôn liên xã, nghênh ngang vào "ăn đất" tại đồi Hoa Tạo (xã Tử Du)... |
Giữa ban ngày, các DN không chỉ huy động các loại xe quá khổ quá tải (4 trục, 6 trục) chở đầy đất, che phủ sơ sài tung hoành, trên các tuyến đường giao thông nông thôn, liên thôn xã, giao thông nội đồng… nhưng không được xử lý dứt điểm.
Đặc biệt, tại hai điểm mỏ đồi Hoa Tạo (xã Tử Du) và điểm mỏ Núi Hiệu 2 (xã Liễn Sơn) PV cũng nhận thấy một “mánh lới” đang được các DN vi phạm áp dụng để trộm cắp tài nguyên là lợi dụng các dự án “vườn ao chuồng”. Thậm chí, DN vi phạm còn trắng trợn, nói một đường làm một nẻo.
Ví dụ, việc lấy đất sau khi hạ cốt thì về nguyên tắc đem bán cho đơn vị nào để thực hiện dự án làm đường giao thông, hay bán cho nhà máy gạch thì DN phải đăng ký rõ ràng trong hồ sơ. Nhưng thực tế theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Tiến, chủ dự án Núi Hiệu 2, thì có thể thấy DN đăng ký một đằng nhưng bán đất một nẻo.
“Theo như hồ sơ đăng ký, phần đất dư thừa Cty sẽ chuyển cho hai đơn vị thực hiện dự án. Nhưng thực tế, cả hai đơn vị mà (trong hồ sơ) chúng tôi đăng ký cung cấp đất đều đóng cửa không hoạt động nữa. Nên Cty chuyển đất lên huyện Vĩnh Tường, cung cấp cho một đơn vị khác thực hiện dự án san nền chợ đầu mối” – ông Nguyễn Mạnh Tiến nói. Đối với dự án của Cty Công ty TNHH Thương mại Xây dựng và Đầu tư Khánh Toàn, thực hiện tại đồi Hoa Tạo, xã Tử Du cũng có những sai phạm bị lực lượng chức năng vạch rõ.
Buông lỏng quản lý!
Trao đổi với PV báo PL&XH về thực trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đất tại huyện Lập Thạch mà báo chí phản ảnh, luật sư Trương Anh Tú, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, pháp luật quy định rất cụ thể về vai trò trách nhiệm của UBND cấp huyện trong quản lý tài nguyên khoáng sản.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 32 Luật bảo vệ tài nguyên môi trường, quy định trách nhiệm của UBND huyện theo Luật bảo vệ TNMT về việc xác nhận kế hoạch môi trường: “UBND cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trừ dự án quy định tại khoản 1 Điều này; UBND cấp huyện có thể ủy quyền cho UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn một xã”.
Luật Khoáng sản cũng quy định rất rõ về trách nhiệm quản lý của UBND huyện, trong phạm vi quyền hạn của mình đối với hoạt động khai thác khoáng sản xảy ra trên địa bàn:
“Khoản 2 Điều 81 Luật khoáng sản, quy định UBND huyện xã có trách nhiệm, giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; báo cáo UBND cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền” – luật sư Trương Anh Tú viện dẫn.
Đối với việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản… thì pháp luật cũng có những chế tài xử lý rất cụ thể.
Theo quy định của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 12 tháng. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1.000.000.000 đồng.
Ngoài hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 12 tháng; Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Như vậy, quy định của luật pháp về vấn đề quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản khá rõ ràng chặt chẽ, và có chế tài rất nghiêm khắc để xử lý vi phạm. Các ngành chức năng và cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác tài nguyên của DN.
Những vi phạm công khai trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đang xảy ra ở huyện Lập Thạch, không được xử lý dứt điểm, phải chăng là do buông lỏng quản lý?
“Tại thời điểm kiểm tra tháng 7-2018, Cty Khánh Toàn san gạt trong diện tích Dự án được cấp phép. Tuy nhiên, việc triển khai san gạt các hạng mục công trình chưa đồng bộ tạo nên việc chênh lệch địa hình lớn gây nguy cơ mất an toàn. Những vị trí đào sâu nguy hiểm chưa có biển cảnh báo nguy hiểm, một số mốc không ghi rõ số hiệu mốc…” - theo báo cáo về việc vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, của Phòng TN&MT huyện Lập Thạch. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại