Thứ năm 21/11/2024 23:55

Trở về sau gần 20 năm được... thắp hương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Lần này chị Hà bị bán cho một nhà thổ nơi xứ người. Ngày đêm bị hành hạ, phục vụ khách làng chơi tới kiệt sức. Chị Hà đã có ý định bỏ trốn. Trong một lần chủ nhà thổ lơ là, chị đã chạy thục mạng ra đường lớn bắt xe...


Tuyệt vọng vì những lần đi tìm kiếm con gái không thành, nghe đài báo nói bên Trung Quốc liên tục xảy ra bão lũ, lở đất… nghĩ con gái của mình đã chết, bà Trần Thị Lệ Thu, SN 1948, trú tại thôn Thành Công, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, lập bàn thờ khi người con gái mới hơn 20 tuổi đầu. Khi những giọt nước mắt của người mẹ ấy gần như đã cạn thì chị Hoàng Thị Hà, SN 1975, đã trở về…

Sự thay đổi của “người bạn thân”

Sau gần 20 năm bị người bạn thân bán sang Trung Quốc, chị Hoàng Thị Hà vẫn không thể quên được những ngày tháng kinh hoàng mình đã từng phải nếm trải. Từng giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chị Hà tâm sự: “Tôi và Nguyễn Thị Trang là bạn thân với nhau từ thuở nhỏ. Khi đi học, chúng tôi học cùng nhau từ lớp 1 cho tới lớp 9. Chính vì vậy, chưa một lần tôi nghi ngờ về bạn mình. Hơn nữa, mỗi lần Trang đến nhà tôi, đều tâm sự về cuộc sống khổ cực của mình. Trang là con riêng nên luôn chịu những ghẻ lạnh của mẹ kế, bị đánh đập, chửi bới rất khổ cực. Nhiều hôm Trang bảo không được ăn uống gì, những lúc ấy tôi đã phải mang từng bát cơm nguội cho Trang ăn, ai ngờ…”.

Khoảng 20g, ngày 22 -1 -1996 sau khi ăn cơm tối cùng gia đình, Trang rủ chị Hà đi cùng. Trước đó, Trang có đi đâu đó 2 năm rồi quay về, lúc đó Trang nói với chị Hà rằng có thể giới thiệu cho chị xin việc ở Lạng Sơn, có nhiều công việc khác nhau như rửa bát, làm công nhân giày da, vải vóc… Tin lời bạn, chị Hà không hề suy nghĩ gì nên đã đi theo. “Lúc đó không hiểu ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà tôi vội vàng chạy vào nhà, chỉ kịp lấy bộ quần áo, cũng không kịp nói gì với bố mẹ để xin phép. Sau đó, Trang đưa tôi về nhà của cô ấy. Đến nhà, bà Huệ (mẹ Trang) cho tôi vào trong buồng, đắp chăn cho tôi. Tôi chỉ biết nằm mê man và không thể làm được gì dù văng vẳng bên tai tôi có tiếng em trai và mọi người trong gia đình có sang tìm kiếm”, chị Hà cho biết.

Vài ngày sau, khi mọi sự kiếm tìm trở nên vô vọng, bà Thu lại nghe được những thông tin không hay về bạn thân của con gái mình. Song không có bằng chứng nên đành chấp nhận

Chồng bà Thu vì thương con gái, suy nghĩ nhiều nên người cựu chiến binh này đã lâm bệnh rồi qua đời…


Bà Trần Thị Lệ Thu cho biết: “Quá tuyệt vọng, tôi đã lập bàn thờ con gái mình suốt gần 20 năm qua”.


Nỗi đau còn lại…

Kể về quãng thời gian lưu lạc xứ người, chị Hà tâm sự: “Sau khi về nhà Trang, tờ mờ sáng ngày hôm sau, tôi được Cường là anh trai của Trang chở tôi và Trang bằng xe đạp đi qua nhiều con đường vòng vo. Đến một cánh đồng ngô, Cường dẫn tôi đến nhà một người dân nào đó, còn Trang lấy xe đạp quay về. Sau đó chúng tôi bắt xe ôm đi tiếp. Vì chưa ra ngoài bao giờ nên tôi cũng không rõ là mình được đưa đi đâu. Đi xe ôm được một lúc, chúng tôi tiếp tục bắt ô tô đi tiếp. Tôi không biết đó là Vĩnh Yên hay Hà Nội. Chỉ biết lúc Cường bảo tôi là đã đi tới Vĩnh Yên rồi…”.


Bữa cơm hội ngộ sau gần 20 năm con gái bị bán sang Trung Quốc. Ảnh: Đức Hạnh


“Khi tới Hà Nội, tôi gặp lại Trang và một người đàn ông tên Trường quê ở Hải Phòng chờ sẵn. Lúc này trời đã tối, Cường bắt xe quay về, tôi cùng Trang và Trường vào một quán cơm để nghỉ ăn tối. Ở đây Trường bảo tôi: “Trang nói với em thế nào thì anh không biết, nhưng đến đây thì anh nói gì thì phải nghe, ở đây là quyền của anh rồi, Trang với anh đi đâu thì em phải theo đấy”. Trang và Trường nói với nhau toàn bằng tiếng Trung Quốc nên tôi không thể hiểu được. Khi đó, Trang cũng dặn tôi chỉ được nghe thôi, phải làm theo lời Trường không được cãi”, chị Hà tiếp tục câu chuyện.

Sau đó chị Hà được một phụ nữ khác dẫn đi qua những đoạn đường đèo dốc sang phía bên kia cửa khẩu. Tại đó, chị một lần nữa gặp lại Trang và Trường. Tại đây, Trường tiếp tục nhắc lại: “Sang bên này anh nói gì là phải nghe đấy. Anh cho em đi lấy chồng…”. Chết đứng người, nhưng không thể làm cách nào khác, chị Hà đành chịu bị bán cho một người đàn ông cao tuổi ở Trung Quốc để làm vợ.

Một thời gian sau, chị Hà được một số chị em người Việt ở bên đó cho biết thấy Trang sang lần nữa và mang theo hai người phụ nữ Việt Nam. May mắn chị Hà được mọi người giúp đỡ, vận động và được chồng đưa đến gặp Trang. Lúc đó Trang nói với chị Hà: “Thôi mày mới sang đây, mà là vợ người ta rồi, chưa có con thì người ta không cho về đâu. Mày cứ ở đây, sinh con đẻ cái cho người ta rồi năm sau, tao sang đón mày về”.


Chị Hoàng Thị Hà kể lại sự việc.


Gần nửa năm sau, chị Hà có thai nhưng không giữ được. Lúc này, chị Hà biết tin mình không còn khả năng sinh con nữa. Cũng thời điểm này, chị Hà nghe tin Trường xuất hiện ở đây với mục đích bán một người phụ nữ nữa. Người chồng của chị Hà lúc này cũng thương tình nên đưa chị Hà đến gặp Trường và Trang để hắn đưa chị về Việt Nam.

Nhưng nỗi đau tiếp tục ập tới với người phụ nữ bất hạnh, lạc lõng nơi xứ người. Chị Hà nghẹn ngào: “Khi đó tôi được đưa tới cửa khẩu Bằng Tường và chỉ có khoảng 800 nghìn đồng đi đến quán ăn mà Trường hẹn tôi, hắn bảo tôi là đưa tiền anh giữ cho không đi qua cửa khẩu về Việt Nam là bị người ta trấn hết đấy. Tin lời nên tôi đưa hết tiền cho hắn, lúc đó tôi cũng chỉ hy vọng là được về Việt Nam. Nhưng khi đưa hết tiền cho Trường, hắn đi đâu mất không rõ. Một lúc sau có một người phụ nữ khác xuất hiện bảo “Mày phải đi lấy chồng lần nữa đi”…”.

Lần này chị Hà bị bán cho một nhà thổ nơi xứ người. Ngày đêm bị hành hạ, phục vụ khách làng chơi tới kiệt sức. Chị Hà đã có ý định bỏ trốn. Trong một lần chủ nhà thổ lơ là, chị đã chạy thục mạng ra đường lớn bắt xe. Nhưng không may chị bị bọn bảo kê đuổi theo và bắt về. Sau lần đó, chị bị một trận đòn nhừ tử.

Từ đó, ông chủ nhà thổ này hứa với chị bao giờ làm đủ tiền vốn sẽ thả cho về nước. Vài năm sau, chị Hà cũng được ông chủ giữ lời hứa và thả cho về. Nhưng lúc này trong túi không còn một xu, chị Hà phải tự mình tìm đủ công việc làm thuê, mướn kiếm sống. “Lúc đó vì quá khó khăn nên tôi đã phải tự mình tìm và lấy một người chồng khác ở bên đó để nương tựa và tìm cách viết thư về nhà. Khi lá thư của tôi gửi về nước được hồi âm, tôi đã có được số điện thoại của em trai và liên lạc được với gia đình. Ngày 18-12 -2013 tôi được đón về nước đoàn tụ với gia đình”.

Giờ đây sau bao nhiêu nỗi đắng cay phải nếm trải ở đất khách quê người, chị Hà mong muốn: “Giờ tôi chỉ mong mình sẽ được làm lại chứng minh nhân dân và hộ khẩu để có thể đi làm và chăm sóc mẹ già”. Còn bà Trần Thị Lệ Thu cho biết: “Chúng tôi đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng trả lại sự công bằng cho con gái tôi…”.

Ông Dương Văn Hồng –Trưởng CA xã Xuân Hòa nói: “Chúng tôi đã chuyển lên cơ quan CSĐT CA huyện Lập Thạch giải quyết”.

Đức Hạnh

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động