Phó mặc sổ tiết kiệm trăm tỉ cho ngân hàng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong ngày, HĐXX tập trung xét hỏi khoản vay 300 tỉ đồng/5.490 tỉ đồng được Trần Hoài Phục, Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Thùy Dung (thuộc nhóm Trần Ngọc Bích) cầm cố 6 sổ tiết kiệm của mình để vay. Bản án sơ thẩm xác định những sổ tiết kiệm này không hề được cầm cố đảm bảo cho bất cứ một khoản vay nào nhưng HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, nhằm đảm bảo cho các khoản vay vào ngày 21, 26.8.2013 (vay 5.190 tỉ đồng - PV) của nhóm bà Bích tại VNCB nên cần thu giữ các sổ tiết kiệm… Không đồng ý, 3 cá nhân trên kháng cáo yêu cầu được trả lại 6 sổ tiết kiệm do VNCB đang nắm giữ. Bởi 6 sổ tiết kiệm này không liên quan đến những khoản vay ngày 21, 26.8.2013.
Chủ tọa hỏi: “Theo lý thì những người gửi tiền tiết kiệm phải giữ sổ tiết kiệm. Tại sao 6 sổ tiết kiệm này lại nằm trong VNCB?”. Đại diện ủy quyền cho 3 chủ sổ - Nguyễn Thị Phương Thảo trả lời: “Nguyên tắc chủ sở hữu phải giữ sổ nhưng ban đầu, họ có ý định vay tiền của ngân hàng nên đã gửi sổ tiết kiệm vào ngân hàng để đảm bảo khoản vay. Khi họ đổi ý, không vay nữa và đến ngân hàng lấy sổ tiết kiệm thì ngân hàng không cho nhận lại”. Ngoài ra, trả lời đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa (gọi tắt VKS), bà Thảo cho biết vì tin tưởng ngân hàng, làm theo sự hướng dẫn, phân bổ của ngân hàng nên cũng không có biên nhận gửi sổ tiết kiệm tại ngân hàng.
Ngược lại, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn) khẳng định có quan hệ vay mượn giữa VNCB và các cá nhân trên về khoản tiền 300 tỉ đồng. Khương khai: “Đúng là bị cáo làm thủ tục cho vay không đúng quy trình khi không buộc bên vay ký trực tiếp trên hợp đồng tín dụng nhưng khi nhận được bản fax Tân Hiệp Phát chuyển qua gồm giấy đề nghị vay vốn, thông báo phong tỏa tài khoản, hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm thì bị cáo mới giải ngân khoản tiền trên”. VKS hỏi: “Bản fax có đầy đủ chữ ký của người vay không?”. Khương trả lời: “Đầy đủ ạ”. Khi Khương khai toàn bộ tài liệu này đang được lưu trữ tại VNCB chi nhánh Sài Gòn; đại diện VNCB cũng cho biết đang lưu trữ những tài liệu trên thì HĐXX yêu cầu VNCB phải cung cấp cho HĐXX trong phiên tòa ngày 3.1.2017.
Nguồn tiền từ đâu ?
Chiều 30.12, theo yêu cầu của HĐXX, 3 cá nhân đứng tên 6 sổ tiết kiệm trên phải có mặt để làm rõ nguồn tiền gửi sổ tiết kiệm từ đâu. Theo đó, Trần Hoài Phục, Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Thùy Dung khẳng định 300 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm là tài sản cá nhân, còn nguồn tiền từ đâu mà có thì họ đều từ chối không trả lời vì cho rằng không liên quan đến vụ án.
VKS đọc lời khai của Phục, Dung, Trang tại cơ quan điều tra, thể hiện: “... Tôi là nhân viên của Tân Hiệp Phát. Tôi có gửi tiền theo hình thức sổ tiết kiệm tại VNCB. Nguồn tiền tôi mượn của ông Thanh (Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát). Tiền lãi tôi không được hưởng mà chuyển trực tiếp đến cho ông Thanh”. Khi VKS chất vấn về những lời khai này, Phục trả lời: “Thời gian vụ án đã xảy ra khá lâu, tôi không nhớ rõ lời khai này nhưng tại phiên tòa hôm nay (30.12), tôi khẳng định tiền này là tiền của cá nhân tôi”. Tương tự, Dung và Trang đều trả lời: “Tôi không phủ nhận những lời khai của tôi tại cơ quan điều tra. Nhưng hôm nay, tại đây tôi khẳng định tiền gửi tiết kiệm là của tôi”. Với những lời khai trên, VKS đề nghị đại diện VNCB kiểm tra các chứng từ liên quan đến 6 sổ tiết kiệm này cũng như lãi tiền gửi phát sinh.
Khi thẩm vấn đại diện ủy quyền cho ông Trần Quí Thanh và nhóm Trần Ngọc Bích, VKS đề nghị HĐXX tạm dừng phiên xử, triệu tập ông Thanh có mặt tại phiên xử tới để làm rõ, vì dòng tiền 5.190 tỉ đồng đều được các bị cáo dịch chuyển đến tài khoản của ông Thanh. Đề nghị này của VKS được HĐXX chấp nhận.
Ngày 3.1.2017, phiên xử sẽ tiếp tục.
Phan Thương / Thanh Niên
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại