Phạt tiền đến 40 triệu đồng nếu không thông báo việc bán đấu giá tài sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đáng chú ý, Điều 22 Dự thảo quy định đấu giá viên sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đồng nếu không dừng cuộc đấu giá khi có đề nghị của người có tài sản phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi không truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá khi có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 9 hoặc Khoản 4 Điều 50 Luật Đấu giá tài sản; Hạn chế hoặc cản trở hoặc gây khó khăn đối với người tham gia đấu giá; Điều hành cuộc đấu giá không đúng hình thức, phương thức đấu giá; Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên để điều hành cuộc đấu giá…
Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều quy định chặt chẽ và xử phạt nghiêm nếu vi phạm trọng đấu giá tài sản. Ảnh minh họa |
Với người tham gia đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và những người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản, cũng bị phạt từ 7 triệu đến 10 triệu đồng nếu: gian lận về điều kiện tham gia đấu giá tài sản; Chống đối hoặc cản trở việc niêm yết, thông báo đấu giá tài sản; Không trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá hoặc không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; Không giao tài sản và các giấy tờ liên quan cho người mua được tài sản đấu giá…
Mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng sẽ áp dụng đối với một trong các hành vi: Thông đồng hoặc móc nối hoặc dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Sử dụng thẻ đấu giá viên của người khác để điều hành cuộc đấu giá; Sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá hoặc thẻ đấu giá viên giả; Không phải là đấu giá viên mà điều hành cuộc đấu giá trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi sau: Làm giả chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên; Đưa tài sản ra đấu giá không đúng quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi không niêm yết hoặc không thông báo việc bán đấu giá tài sản; không tổ chức để người tham gia đấu giá được xem tài sản bán đấu giá hoặc giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan; Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia hoặc người tham gia đấu giá; Đấu giá theo thủ tục rút gọn tài sản không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại