Thứ hai 25/11/2024 18:48

Xuất hiện nhiều ca sốt rét kháng thuốc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số ca sốt rét kháng thuốc đang tăng. Trước đây tỉ lệ kháng thuốc chỉ là 16% nay đã lên tới khoảng 20%-22%. Bên cạnh đó, hiện tượng kháng thuốc cũng xuất hiện ở một số loại thuốc điều trị sốt rét thế hệ mới.


Bộ Y tế nhận định, nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại tại một số vùng miền khá lớn, nhất là ở các vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ, vùng sâu, vùng xa... Cụ thể, gần đây bệnh sốt rét đã quay trở lại tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 8.500 trường hợp sốt rét, 21 ca sốt rét ác tính, 1 người tử vong tại Gia Lai. Phân bố ký sinh trùng sốt rét vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. So với cùng kỳ năm 2013 số bệnh nhân sốt rét giảm 35%.

TS.Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-ký sinh trùng Trung ương, Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ mắc số rét ở Việt Nam liên tục giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc artemisinin-loại thuốc hiệu quả nhất trong điều trị sốt rét - đã xuất hiện ở miền Trung.


Ảnh minh họa


Ký sinh trùng kháng thuốc thể hiện qua tỉ lệ ký sinh trùng dương tính vào ngày D3 (ngày thứ 3 điều trị). Loại này được xác nhận đầu tiên ở Bù Đăng, Bình Phước, Tây Nguyên vào năm 2009. Dù hiệu quả điều trị của thuốc artemisinin vẫn cao nhưng tỷ lệ còn ký sinh trùng ngày D3 tăng liên tục ở mức báo động. Tại Gia Lai, tỉ lệ còn ký sinh trùng ngày D3 là 11% năm 2010 nhưng chỉ 2 năm sau đã tăng gấp đôi; tại Bình Phước tỉ lệ này cũng tăng từ 15% lên gần 31%.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành văn bản cấm sử dụng phác đồ đơn trị liệu artesunate để điều trị sốt rét, và hạn chế sản xuất thuốc sốt rét loại artesunate dưới dạng đơn trị liệu. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, kế hoạch quốc gia về ngăn chặn sốt rét kháng artemisinin đã được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn của kế hoạch ngăn chặn kháng aretemisin toàn cầu và đang chờ sự phê duyệt của Bộ Y tế, TS.Dương cho biết.

Vân Hà

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động