Xử trí thế nào khi phát hiện trường hợp mắc, nghi mắc COVID-19 tại trường học?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLiên Sở Y tế-GD&ĐT Hà Nội ban hành hướng dẫn cách xử trí khi phát hiện F0, F1, F2 trong trường học. (Ảnh: Khánh Huy) |
Khi có trường hợp mắc COVID-19 (F0) tại trường học
Hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học trên nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đồng thời, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 (F0), nghi ngờ mắc COVID-19, tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2), không để dịch COVID-19 lây lan trong trường học và cộng đồng.
Hướng dẫn Liên Sở Y tế - GD&ĐT đề ra phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 (F0) tại trường học và khi có trường hợp nghi mắc COVID-19, F1, F2 tại trường học.
Cụ thể, khi phát hiện F0 tại trường học: nhà trường kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch và báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương.
Thông báo cho F0 và yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1 mét với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn, xử trí. Hướng dẫn cho F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời; hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.
Phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó. Thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại nhà trường thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng; yêu cầu nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K. (Phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0 tùy thuộc mức độ di chuyển của F0; diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến F0 theo chỉ định về dịch tễ).
Thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương (Trạm y tế xã phường hoặc Trung tâm y tế quận huyện) để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tách F0 để cách ly, điều trị theo quy định. Đồng thời, phối hợp cơ quan y tế địa phương tiếp tục điều tra, truy vết, lấy mẫu, cách ly, rút gọn phạm vi phong tỏa phù hợp với các trường hợp bệnh cụ thể. Tổ chức truy vết F1 triệt để tại trường học và tại cộng đồng.
Đối với F1 tại trường học: Lập danh sách toàn bộ các trường hợp F1. Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1, cách ly ngay tại lớp đó. Học sinh, giáo viên ở lớp khác là F1 thì tách ngay ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định. Phối hợp lấy mẫu xét nghiệm F1 theo chỉ định của y tế địa phương; tổ chức cách ly F1 theo quy định.
Đối với F1 trong cộng đồng: Lập danh sách cán bộ, giáo viên, học sinh tiếp xúc gần và trường hợp liên quan đang ở cộng đồng theo yêu cầu của y tế địa phương.
Tổ chức truy vết F2: xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho F2 nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2. Hướng dẫn cho các trường hợp F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1.
Trong khi chờ kết quả xét nghiệm: học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm: lớp nào ở nguyên lớp đó, tự quản và thực hiện 5K; Khoanh vùng, khử khuẩn toàn bộ các khu vực có liên quan theo hướng dẫn của y tế địa phương.
Ngoài ra, khi phát hiện F0 là học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường ngoài giờ học, làm việc: cần báo cáo ngay cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường và của địa phương (xã phương, quận huyện); Tạm dừng hoạt động của nhà trường để thực hiện vệ sinh, khử khuẩn, truy vết F1, F2 và chờ kết quả xét nghiệm.
Phối hợp với y tế địa phương (Trạm Y tế xã phường hoặc Trung tâm Y tế quận huyện) thực hiện điều tra truy vết, lập danh sách F1, F2 là cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường. Tùy tình hình dịch, cơ quan y tế địa phương đánh giá nguy cơ và yếu tố dịch tễ để xác định lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 có triệu chứng, người liên quan của trường. Tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ trường, đặc biệt khu vực làm việc, học tập của F0.
Trong cả 2 trường hợp trên, tuỳ theo đánh giá nguy cơ và hướng dẫn của y tế địa phương, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương quyết định việc hoạt động trở lại của trường học.
Khi có trường hợp nghi mắc COVID-19 tại trường học
Theo hướng dẫn, khi phát hiện có một trong các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… tại trường học thực hiện các bước sau: Thông báo cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của nhà trường; Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi nhiễm, học sinh của lớp, người xung quanh.
Yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác; Phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời. Hướng dẫn trường hợp nghi ngờ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.
Liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị; Không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế; Thực hiện khử khuẩn các khu vực liên quan theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế; Lập danh sách học sinh cùng lớp, người tiếp xúc gần để sẵn sàng cho việc truy vết F1 nếu người nghi ngờ trở thành F0.
Ngoài ra, khi có trường hợp F1 tại trường học, cần thông báo ngay cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường và của địa phương (xã phường, quận huyện); Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho F1, học sinh của lớp, người xung quanh.
Yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 01 mét với những người khác; Phân luồng lối đi từ khu vực có F1 đến phòng cách ly tạm thời; Hướng dẫn F1 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời. Hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.
Thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại nhà trường thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng; yêu cầu nghiêm túc thực hiện 5K; Thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương (Trạm y tế xã phường hoặc Trung tâm Y tế quận huyện) để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Phối hợp Trạm Y tế xã phường thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên sàng lọc ngay tại phòng cách ly tạm thời trước khi lấy mẫu để khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR; tiếp đó phối hợp vận chuyển đi cách ly y tế theo quy định Phối hợp lập danh sách các trường hợp F2 là cán bộ, giáo viên, học sinh của trường; tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F1 được coi là F2.
Các trường hợp F2 tạm thời không di chuyển ra khỏi lớp, chờ hướng dẫn của ngành y tế; Tất cả các trường hợp F2 có biểu hiện nghi ngờ như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Phối hợp hướng dẫn cho F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ các khu vực có liên quan.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại