Xóa quảng cáo, rao vặt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững quảng cáo, rao vặt được dán lên cây trên phố Vũ Ngọc Phan (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Bản Sa |
Quảng cáo, rao vặt trái phép không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn trở thành nơi “tiếp tay” của những tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, vay lãi, lừa đảo việc làm... Một số sinh viên khi trót vướng vào chơi game nợ tiền nên nghĩ đến việc vay lãi tín dụng đen được quảng cáo rộng khắp. Một số người đã dính bẫy lừa đảo việc làm khi gọi điện tìm việc ở số điện thoại trên tờ rơi.
Về việc xử lý quảng cáo, rao vặt trái phép tại địa phương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Thị Minh Hồng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 197 quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hàng trăm đợt ra quân, phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng... trong đó, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm về quảng cáo. UBND quận thường xuyên có văn bản chỉ đạo các phường ra quân, tổ chức bóc, xóa tờ rơi quảng cáo, rao vặt trên các tuyến phố. Về lâu dài, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận yêu cầu các phường tổng hợp danh sách số điện thoại in trên tờ rơi, quảng cáo, rao vặt trái phép gửi UBND quận, để quận gửi Sở Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đối với các thuê bao vi phạm nhiều lần thì đề xuất phương án thu hồi số điện thoại.
Còn theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Cường, quận rất quyết liệt trong việc xử phạt hành chính, thu hồi số thuê bao di động của cá nhân, đơn vị ghi trên tờ rơi, quảng cáo rao vặt. Song song với đó, quận cũng thường xuyên tổ chức ra quân bóc, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, lập nhiều bảng tin rao vặt miễn phí phục vụ nhân dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo để người dân hiểu, chấp hành nghiêm quy định.
Còn theo UBND quận Đống Đa, quận đã bố trí 24 bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí, đáp ứng nhu cầu quảng cáo, rao vặt của người dân trên địa bàn. UBND quận cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các phường tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về quảng cáo, biển hiệu; đồng thời, ngăn chặn không để tái phạm, xuất hiện mới quảng cáo, biển hiệu vi phạm trên địa bàn quận... Tuy nhiên, theo UBND quận Đống Đa, công tác xử lý vi phạm quảng cáo, rao vặt trái phép còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng vi phạm thường lén lút hoạt động vào ban đêm.
Bên cạnh đó, theo các địa phương, tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép vẫn liên tục tái diễn là do chế tài xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo, rao vặt trái phép bị xử phạt mức tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 đến 4 triệu đồng đối với tập thể. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng chấp nhận bị xử phạt. Các đối tượng cũng chấp nhận việc bị thu hồi thuê bao di động gắn trên nội dung quảng cáo, rao vặt và tiếp tục sử dụng sim điện thoại khác để thực hiện hành vi vi phạm.
Nỗ lực xóa nạn quảng cáo, rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, thời gian qua, TP, các địa phương đã tích cực vào cuộc bóc xóa, bố trí các điểm quảng cáo, rao vặt miễn phí, cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, các giải pháp trên xem ra vẫn chưa triệt để. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng nặng mức xử phạt với cá nhân, tổ chức cố tình tái diễn vi phạm, có như vậy mới không có chuyện chấp nhận nộp phạt để tiếp tục tái phạm.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, đã nêu rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Trong đó có các hành vi bị cấm liên quan đến quảng cáo như: quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Do vậy, việc dán các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Đồng thời, việc dán quảng cáo trên trụ điện, cột điện còn làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Về mức xử phạt, căn cứ khoản 1 Điều 34 Nghị định 38/2021, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng (trừ một số trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 100/2019). Ngoài ra, tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021, với hành vi dán quảng cáo lên trụ điện, cột điện còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo… Lưu ý, mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi (theo khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định 38/2021). |
Cách nào để ngăn quảng cáo trực tuyến cá độ bóng đá? Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc để xuất hiện những hình ảnh quảng cáo, quảng bá dịch vụ cá cược, cá độ bất hợp ... |
Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn sau 8 năm giờ ra sao? Được “đo ni đóng giày” với kỳ vọng trở thành tuyến phố "kiểu mẫu" đầu tiên của Hà Nội. Tuy nhiên, sau 8 năm, tất ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại