Thứ hai 06/01/2025 04:08

Xét xử các “mắt xích” trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn “siêu khủng”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 6/1, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 171 bị cáo trong vụ án "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn" xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Xét xử các “mắt xích” trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn “siêu khủng”
Nguyễn Minh Tú - đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn bị xét xử ở giai đoạn 1 của vụ án.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 14 ngày (từ ngày 6 - 19/1/2025). Đáng chú ý, vụ án này được tách ra từ vụ án "ông trùm" Nguyễn Minh Tú (SN 1992, ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Đây là vụ án mua bán trái phép hóa đơn, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức xảy ra vào năm 2022.

Ở giai đoạn 1, cơ quan CA làm rõ, từ năm 2020 - 2022, Tú thông qua Nguyễn Thị Huế, SN 1988, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội và 2 cá nhân khác mua 646 DN. Tú trực tiếp và thông qua các đối tượng trung gian (F1) sử dụng các pháp nhân này để bán 1.025.712 hóa đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số hơn 63.762 tỷ đồng.

TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử giai đoạn 1 với 100 bị cáo gồm Nguyễn Minh Tú, Võ Tấn Lộc, 8 đối tượng trung gian (F1, F2) và 90 cá nhân là giám đốc, kế toán của 90 DN.

Do số lượng đối tượng trung gian và đơn vị mua, sử dụng hóa đơn rất lớn trên địa bàn cả nước, do hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra đã tách vụ án với đối tượng trung gian… Đồng thời làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Huế - trợ giúp đắc lực cho "ông trùm" Nguyễn Minh Tú về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Cáo trạng thể hiện, khoảng đầu năm 2021, thông qua mạng xã hội, Tú liên hệ với Huế để thuê Huế làm thủ tục mua, bán, chuyển nhượng, thay đổi người đại diện pháp luật; đăng ký DN; đăng ký chữ ký số; mua phần mềm dịch vụ hóa đơn điện tử; mở tài khoản ngân hàng và làm con dấu, rồi chuyển DN cho Tú sử dụng để bán trái phép hóa đơn.

Trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022, Huế liên hệ mua 303 DN và làm các thủ tục theo yêu cầu của Tú rồi bán cho Tú với chi phí từ 50 triệu đến 60 triệu đồng/DN bao gồm: các chi phí chuyển nhượng, sang tên công ty; phí thuê trụ sở treo biển công ty; phí đăng ký chữ ký số; phí mua phần mềm dịch vụ hóa đơn điện tử; phí mở tài khoản ngân hàng; phí làm dấu mới.

Đồng thời, Tú cũng thuê Huế làm thủ tục đăng ký hoạt động cho khoảng 200 DN do Tú mua trước đó của 2 cá nhân tên Kiên và Vân (chưa xác định được danh tính thật) nhưng đang ở tình trạng ngừng hoạt động hoặc chưa đầy đủ thủ tục để hoạt động. Hoàn tất các thủ tục trên, Huế đã chuyển lại các công ty cho Tú để Tú sử dụng bán trái phép hóa đơn. Để tránh sự phát hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước, Tú trao đổi và thống nhất với Huế về việc kê khai thuế cho các công ty “ma” của Tú.

Với mục đích giảm số thuế phải nộp, Tú đã thống nhất với Huế kê khai giảm doanh số bán ra so với thực tế tổng doanh số hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống đã phát hành, tự kê khai khống doanh số mua vào (thực tế không phát sinh doanh số mua vào) sao cho số thuế GTGT phải nộp dưới 10 triệu đồng.

Ngoài ra, khi thấy các công ty của Tú có dấu hiệu rủi ro, Huế đã thực hiện thủ tục chuyển địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đóng mã số thuế. Theo thỏa thuận, Tú đã trả cho Huế số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Cáo buộc thể hiện, mặc dù là người có kiến thức, am hiểu các quy định của pháp luật và nhận thức rõ các công ty của Tú không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì nhưng Huế vẫn thực hiện kê khai giảm doanh số bán ra và tự kê khai số liệu đầu vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào) theo yêu cầu của Tú để Tú sử dụng bán trái phép hóa đơn.

Cơ quan tố tụng xác định Huế đã tích cực giúp sức cho Tú thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn, hưởng lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng. Ngoài ra, Huế còn chỉ đạo các nhân viên Nguyễn Thùy Nhật Anh, Tài Thị Kim Liên, Nguyễn Văn Đức, nhân viên công ty Luật TNHH Việt Phú do Huế làm Giám đốc, ký giả chữ ký của người đại diện theo pháp luật để làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật; hồ sơ mở tài khoản ngân hàng…

Cơ quan CA sẽ tiếp tục xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan sau khi tách vụ án.

Đường dây đánh bạc gần 1.000 nghìn tỷ đồng đã bị triệt phá thế nào? Đường dây đánh bạc gần 1.000 nghìn tỷ đồng đã bị triệt phá thế nào?

Ngày 1/1/2025, thông tin từ Công an quận Hà Đông, Hà Nội, đơn vị đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP ...

Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động