Xe tuần tra giao thông không được truy đuổi người vi phạm trên cao tốc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến một người tử vong xảy ra ngày 23/11. Ảnh: Cắt từ clip |
Xe tuần tra giao thông cũng sẽ phải chịu trách nhiệm?
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết, 10h5 ngày 23/11, tại Km 209+300 trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 2 ô tô và 1 xe máy. Thời điểm trên, vụ va chạm xảy ra giữa ô tô khách mang BKS 18F- 001.XX do anh N.V.V điều khiển, chạy hướng Hà Nội - Hà Nam với xe tuần tra giao thông (của Cty BOT) mang BKS 29C- 553.XX do anh Đ.V.K (33 tuổi, trú tại Thái Bình) điều khiển và xe máy không gắn biển kiểm soát do lái xe L.T.N (14 tuổi, trú tại Nghệ An) điều khiển, trên xe chở theo chị T.T.T.V.
Theo lực lượng chức năng, vụ tai nạn khiến chị T.V tử vong tại hiện trường, còn tài xế xe máy bị thương. Cả 3 phương tiện nêu trên bị hư hỏng. Sau khi clip về vụ tai nạn xuất hiện trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng, không phải lực lượng nào cũng được tuần tra giao thông trên cao tốc.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật quy định đường cao tốc là đường dành riêng cho xe cơ giới, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc các loại xe thô sơ đi vào đường cao tốc là hành vi vi phạm pháp luật về hành chính, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100.
Nếu hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc các loại xe thô sơ đi vào đường cao tốc là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tai nạn giao thông, người điều khiển loại xe đi vào đường cấm đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong vụ việc này, CQĐT cũng cần làm rõ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người điều khiển xe máy đi vào được cao tốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng...
Ngoài ra, theo nội dung qua clip cho thấy có dấu hiệu của việc truy đuổi giữa xe tuần tra giao thông của Cty BOT và hai người đi xe mô tô. Nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi: xe tuần tra giao thông của đơn vị BOT truy đuổi như vậy có đúng chức năng, nhiệm vụ được giao hay không?; trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào?; lái xe khách trong vụ tai nạn này sẽ bị xử lý thế nào?...
Luật sư Nguyễn Hồng Thái thông tin, căn cứ theo Điều 5, Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023 của Bộ Công an, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ do Cục CSGT đảm nhận, phụ trách. Trường hợp đặc biệt, cần thiết, lực lượng Cục CSGT chủ trì, phối hợp với CA các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường bộ trong phạm vi toàn quốc nhưng theo kế hoạch của Cục trưởng Cục CSGT trở lên ban hành.
Như vậy, duy nhất lực lượng Cục CSGT mới đủ thẩm quyền được xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này. Theo quy định pháp luật, Cty BOT không phải là cơ quan có thẩm quyền, không có nhiệm vụ xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc.
Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp đánh giá, việc người của Cty BOT dùng phương tiện truy đuổi xe máy trên đường cao tốc là sai, trái với nguyên tắc được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16, Thông tư số 32/2023/TT-BCA về việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu: an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Chiếu theo quy định trên, luật sư Thái cho biết, khi phát hiện các vi phạm quy định về ATGT trên đường cao tốc, nhân viên tuần đường chỉ được phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý, khắc phục kịp thời chứ không được phép truy đuổi người vi phạm giao thông.
Chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc lái xe khách trong vụ tai nạn này sẽ bị xử lý thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Thái đánh giá, người ngồi sau xe máy bị tử vong do tai nạn giao thông trong trường hợp này do tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, nhiều chủ thể có lỗi. Đầu tiên là lỗi của người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc và không đội mũ bảo hiểm.
Sau đó là người lái xe ô tô tuần tra giao thông của Cty BOT truy đuổi và tạt, chèn ép xe máy dẫn đến va chạm. Tiếp đó là việc người lái xe khách có hành vi điều khiển phương tiện không tập trung quan sát, không giữ khoảng cách an toàn của xe mình điều khiển với khoảng cách các phương tiện khác, vi phạm quy định tại Điều 12, Luật Giao thông đường bộ.
Hậu quả làm một người tử vong và một người bị thương, hành vi này của các chủ thể đã đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức phạt tù cao nhất có thể tới 5 năm tù.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 587, Bộ luật Dân sự 2015, trong vụ việc này, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, lái xe của Cty BOT, lái xe khách có trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo các phần bằng nhau.
Tuy nhiên, từ các phân tích trên, luật sư Nguyễn HồngThái cho rằng, các nội dung, tình tiết cụ thể của vụ tai nạn này như thế nào, cần chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
Điều 13, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT của Bộ giao thông vận tải quy định về trách nhiệm của nhân viên tuần đường là phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến ATGT, các vi phạm quy định về ATGT, vi phạm phương án tổ chức giao thông, các tai nạn, sự cố giao thông và báo cáo kịp thời. Đối với giao thông trên đường cao tốc, phát hiện các vi phạm quy định về ATGT và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý, khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 13, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT nêu rõ, nhân viên tuần đường phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp nghề chuyên ngành cầu, đường bộ, được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tuần đường trên đường cao tốc, được đào tạo về sơ cấp cứu, hiểu biết pháp luật, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn và giải thích pháp luật về giao thông đường bộ. Ngoài ra, thông tư trên còn quy định, tuần đường trên đường cao tốc bằng xe ô tô, xe mô tô chuyên dùng. Trên phương tiện tuần đường, ngoài các trang thiết bị chuyên dùng theo quy định, còn có trang thiết bị phục vụ sơ, cấp cứu ban đầu theo quy định của ngành y tế… Đặc biệt, nhân viên tuần đường chỉ được phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý, khắc phục kịp thời chứ không được phép truy đuổi. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại