Thứ sáu 29/03/2024 17:27

Xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa, du lịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ đẩy mạnh đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm đưa quận sớm trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Một góc hồ Tây, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc hồ Tây, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

Phát huy sức mạnh nội lực

Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Với vị trí địa lý và bề dày lịch sử, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”.

Mục tiêu đó được triển khai thực hiện xuyên suốt bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ đại hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và ưu tiên các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa, ẩm thực góp phần quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ vừa hiện đại, văn minh vừa giàu truyền thống, bản sắc văn hóa.

Cụ thể, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa sẵn có, quận Tây Hồ đã quan tâm thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn quận như đình Trích Sài, đình Võng Thị, đền Tam Thánh, chùa Bà Già, chùa Hoằng Ân, chùa Mật Dụng… Quận cũng thực hiện việc gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại bến đò Xù, đình Phú Xá; rà soát tổng hợp đánh giá hiện trạng các khu lưu niệm, nhà lưu niệm các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trên địa bàn quận.

Ngoài ra, Quận ủy Tây Hồ cũng tập trung chỉ đạo và quan tâm đầu tư phát triển du lịch. UBND quận đã ban hành các Kế hoạch quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn quận, tổ chức chương trình gặp mặt, hội thảo “Giới thiệu tiềm năng du lịch Tây Hồ” với sự tham gia của hơn 100 đại diện các công ty lữ hành và cơ quan báo chí. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch trong việc sử dụng các cơ sở lưu trú phục vụ công tác cách ly, phòng, chống dịch bệnh Covid-19...

Bên cạnh đó, UBND quận Tây Hồ đã xây dựng Đề án “Xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng số hóa phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch trên địa bàn quận” nhằm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị và quảng bá di sản văn hóa trên địa bàn phục vụ yêu cầu phát triển văn hóa trong tình hình mới. Đồng thời chỉ đạo xây dựng các Đề án xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm các làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, xôi chè Phú Thượng… gắn với phát triển dịch vụ, du lịch văn hóa trên địa bàn quận.

Ảnh: Phạm Hùng
Ảnh: Phạm Hùng

Tập trung đầu tư các lĩnh vực tiềm năng

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhằm sớm đưa quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận. Kết hợp các biện pháp phục hồi du lịch văn hóa với nhiệm vụ phòng, chống dịch, xây dựng hình ảnh Tây Hồ là điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn.

Đồng thời, quận tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng là lợi thế riêng có của quận như: Du lịch văn hóa; làng nghề truyền thống; không gian sáng tạo; nghệ thuật biểu diễn. Quận cũng đảm bảo sự tương tác hiệu quả trong cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác như: Quảng cáo, điện ảnh, thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm… phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cùng với đó, đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực quận Tây Hồ” giai đoạn 2; Đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”; Đề án “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”; Đề án “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ phường Quảng An”; Đề án “Điểm thông tin giới thiệu, quảng bá dịch vụ du lịch, văn hóa quận Tây Hồ”; Đề án “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”… Phấn đấu đến năm 2025 quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Đặc biệt, theo Phó Bí thư Thường trực quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn, vừa qua, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ vừa có buổi làm việc với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng Hà Nội thống nhất đề xuất UBND TP giao quận Tây Hồ quản lý và khai thác Hồ Tây. Theo thống nhất của các sở, ngành, quận Tây Hồ đề nghị UBND TP giao UBND quận Tây Hồ chủ trì quản lý, tổ chức thực hiện các nội dung: Quản lý mặt nước Hồ Tây bao gồm mái taluy kè hồ, lòng hồ, đảm bảo vệ sinh mặt nước; công tác chống lấn chiếm lòng hồ.

Đồng thời, quận sẽ trực tiếp quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng, quản lý và tổ chức giao thông tại 11 tuyến đường, phố xung quanh Hồ Tây, đầu tư quản lý đối với 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận; quản lý, tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; quản lý việc nuôi trồng và khai thác thủy sản trên Hồ Tây; quản lý môi trường nước…

Từ tháng 9/2016 đến nay, Hồ Tây do Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở VH&TT, Sở TN&MT, Sở Du lịch, Sở NN&PTNT và UBND quận Tây Hồ quản lý đan xen theo các lĩnh vực chuyên ngành và quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP... Điều này khiến cho việc khai thác các giá trị, lợi thế của Hồ Tây gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Tuy nhiên, với việc giao UBND quận Tây Hồ chủ trì quản lý, khai thác Hồ Tây sẽ là cơ hội lớn để quận nỗ lực hoàn thành mục tiêu trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô trong năm 2025.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn

Năm 2022, Quận ủy Tây Hồ đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, quận Tây Hồ tập trung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, xây dựng hình ảnh "Chính quyền phục vụ Nhân dân"...
Quận Tây Hồ sẵn sàng các điều kiện tổ chức môn Taekwondo tại SEA Games 31
Quận Tây Hồ triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chíp quét mã QR khi ra vào cơ quan, đơn vị
Vân Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động