Xây dựng môi trường giáo dục nghề nghiệp an toàn, lành mạnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, quy tắc ứng xử chung là: Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, của cán bộ, viên chức, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ người khác trong sinh hoạt cũng như học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục; học sinh, sinh viên phải sử dụng đồng phục (nếu có quy định) hoặc trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và môi trường giáo dục khi tham gia các hoạt động trong nhà trường, đồng thời cũng thể hiện sự thanh lịch khi hoạt động ngoài nhà trường; cha mẹ học sinh, sinh viên và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.
Không hút thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn và các chất kích thích bị cấm khác trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo nội quy, quy chế của nhà trường và quy định của pháp luật. Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
Dự thảo cũng nêu rõ các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường gồm: Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại học sinh, sinh viên; phòng, chống bạo lực học đường trên môi trường mạng cho học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gia đình học sinh, sinh viên; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh, sinh viên.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tiến hành theo dõi, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ bạo lực học đường. Xây dựng cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng và quy trình xử lý đối với các tình huống bạo lực học đường. Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gia đình học sinh, sinh viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống bạo lực học đường xảy ra.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện phương án xử lý các tình huống bạo lực học đường có thể xảy ra. Phân công rõ trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức có liên quan trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để bảo vệ an toàn cho học sinh, sinh viên, cô lập, khống chế và xử lý kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường theo quy định của pháp luật. Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với học sinh, sinh viên bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực.
Đồng thời thông báo kịp thời với gia đình học sinh, sinh viên để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại