Thứ sáu 19/04/2024 23:34

Xây dựng mô hình “công dân học tập” trong trường đại học

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mô hình giáo dục ĐH theo hướng truyền thống, nặng về trang bị kiến thức sẽ phải thay thế bằng chương trình mới giúp thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo và tư duy tự học - Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Trường ĐH với việc xây dựng và triển khai mô hình Công dân học tập tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Rõ ràng, cách mạng 4.0 đã đặt các trường vào yêu cầu đổi mới đào tạo. Theo đó, công dân học tập, xã hội học tập không phải là vấn đề riêng của giáo dục thường xuyên (GDTX) nữa.

Chương trình đào tạo ĐH phải thích ứng với thay đổi

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các kỹ năng cần thiết cho công việc cũng như cách thức làm việc. Những công việc truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi sự ra đời của máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, hoặc đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng phát triển và vận hành các công nghệ mới trên.

“Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo. Mô hình giáo dục ĐH theo hướng truyền thống, nặng về trang bị kiến thức sẽ phải thay thế bằng chương trình mới giúp thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo và tư duy tự học”, TS Bùi Tín Nghị - GĐ Học viện Ngân hàng nhận xét.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu thực trạng lao động nước ta hiện nay đang bị đánh giá yếu về chất lượng, thiếu năng lực làm việc và tác phong lao động công nghiệp.

“Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao thì 1/4 không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp”, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhắc lại đánh giá trong báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2018, đồng thời cho rằng, cơ cấu đào tạo của Việt Nam còn bất hợp lý khi những ngành cơ bản tạo năng lực sản xuất dài hạn, đưa năng suất lao động nhanh, bền vững, như khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Toán (STEM), có tỷ lệ sinh viên theo học còn “khiêm tốn”.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, nếu không kịp thời nắm bắt và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo các tiêu chí cụ thể của “Công dân học tập”, tức những con người với năng lực và phẩm chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số, thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về mọi mặt.

GS.TS Rohit Verma - Hiệu trưởng trường ĐH VinUni cũng chia sẻ về sự tác động của cách mạng 4.0 đối với giáo dục và cuộc sống. Đồng thời, cho rằng, “trường ĐH phải là nơi thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, nuôi dạy những người có tư duy học tập suốt đời”.

xay dung mo hinh cong dan hoc tap trong truong dai hoc
Bộ GD&ĐT sẽ chọn một số trường ĐH kết hợp với địa phương để xây dựng mô hình thí điểm công dân học tập, gắn kết trường ĐH với hệ thống GDTX. Ảnh: P.T

Gắn kết giáo dục ĐH với GDTX

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thống yêu nước, hiếu học của người dân Việt Nam tài sản vô cùng quý giá. Muốn thích ứng được với cuộc cách mạng này, Việt Nam cần có đội ngũ tri thức, các nhà khoa học, chuyên gia và quan trọng hơn là cần có những người dân nắm bắt tri thức công nghệ.

Theo Phó Thủ tướng, những năm qua Việt Nam đã có bước đi bài bản, rất nỗ lực để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Năm 2020, đánh dấu bước đầu tiên là chúng ta áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Một trong những điều rất quan trọng của sự thay đổi này là tạo được bước đổi mới trong cách dạy và học những năm qua, chuyển từ giáo dục một chiều sang tương tác nhiều hơn, phát huy được năng lực, sáng tạo của người học.

Bên cạnh bước tiến của giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH những năm qua, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mảng GDTX chưa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để có sự đổi mới mạnh mẽ. Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ thí điểm mô hình gắn kết trường ĐH chất lượng với hệ thống GDTX để cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng cao.

Đối với xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không chỉ là việc của giáo dục ĐH mà của toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, từ nền tảng giáo dục phổ thông, học sinh phải được trang bị phương pháp tự học, tạo động lực để biến việc học tập thành nhu cầu suốt đời. Người giáo viên cũng tương tự, cần đổi mới để trở thành những công dân học tập.

“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo, cùng với địa phương, hội khuyến học các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tăng cường chỉ đạo và thực hiện đẩy mạnh GDTX”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ chọn một số trường ĐH kết hợp với địa phương để xây dựng mô hình thí điểm công dân học tập, gắn kết trường ĐH với hệ thống GDTX. Theo đó, trường ĐH sẽ tiên phong trong việc tạo ra các công dân học tập từ chính đội ngũ giảng viên, sinh viên của trường.

Trường ĐH gắn kết với hệ thống GDTX để các trung tâm GDTX trở thành vệ tinh, mô hình nối dài của trường ĐH nhưng phải đảm các tiêu chí kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn đầu ra. Sau quá trình thí điểm, Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để từ đó xin ý kiến nhân rộng mô hình công dân học tập, gắn kết trường ĐH với hệ thống GDTX.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động