Thứ sáu 22/11/2024 00:32

Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cấp thiết trước tình hình mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều chuyên gia cho rằng: Xây dựng dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là cấp thiết trong tình hình phát triển mới.
Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cấp thiết trước tình hình mới
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đang nhận được các ý kiến đóng góp, đa phần cho rằng cần thiết, cấp bách trong tình hình phát triển mới, đảm bảo an toàn giao thông cũng như hình thành văn hóa giao thông hiện đại. Ảnh: Khánh Huy

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đang nhận được các ý kiến đóng góp. An toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.

Do đó, phải xây dựng, ban hành các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực, trong đó ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại.

Sự cần thiết phải xây dựng dự án

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ 01-7-2009. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật cũng đã bộc lộ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân cơ bản là do 2 lĩnh vực lớn khác nhau được điều chỉnh trong cùng một đạo luật: Lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông và lĩnh vực quản lý về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy số vụ tai nạn giao thông diễn ra trên tuyến giao thông đường bộ đã giảm nhưng chưa bền vững, các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hai nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội. Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 12-2021, toàn quốc xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm hơn 95% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, chủ yếu do lỗi của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông (chiếm hơn 90%); các hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự an toàn xã hội diễn ra ngày càng phức tạp hơn, trong đó có những vụ, việc rất phức tạp, nghiêm trọng.

Xu hướng lợi dụng việc tác động hoạt động giao thông đường bộ để chống phá Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống; phạm tội trên tuyến giao thông, như: cướp tài sản, cướp giật tài sản, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn lậu, giết người… và nhiều loại tội phạm khác đang được các đối tượng khai thác, sử dụng gây thách thức không nhỏ đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều này cho thấy, bảo đảm trật tự, an toàn trên tuyến giao thông đường bộ là một nhiệm vụ cấp bách đặt ra, là đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn.

Có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển giao thông và chính trị, xã hội

Giao thông đường bộ là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với mọi quốc gia dưới cả góc độ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong đó, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hoạt động giao thông đường bộ là những vấn đề có mối liên quan đến nhau nhưng có những sự khác biệt.

Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cấp thiết trước tình hình mới
Giao thông đường bộ là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với mọi quốc gia dưới cả góc độ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Ảnh: Khánh Huy

Theo đó, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn. Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác. Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Việc xây dựng, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông là hoạt động luôn đi trước, thuộc phạm vi xây dựng hạ tầng kinh tế, bảo đảm cho các hoạt động của đời sống xã hội diễn ra trên hạ tầng này.

Với hoạt động xây dựng hạ tầng giao thông chịu sự chi phối của các vấn đề liên quan tới nhu cầu tham gia giao thông và các yêu cầu khác về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tạo cơ sở nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước. Hoạt động này bao gồm quá trình quy hoạch, xác định và tổ chức xây dựng các tuyến đường giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở đánh giá những lợi ích có thể đạt được, chủ yếu dưới góc độ kinh tế, xã hội và một số mục tiêu khác; quá trình duy tu, bảo dưỡng, bảo trì bảo đảm cho hoạt động giao thông đường bộ được thông suốt về mặt kỹ thuật. Như vậy, bản chất của các hoạt động xây dựng hạ tầng giao thông là hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước, sản phẩm đầu ra của nó chính là các tuyến giao thông đường bộ, có mục đích sử dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và các yêu cầu khác.

Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn là sự cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hằng năm giảm 05 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hình thành văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp luật đầy đủ, đồng bộ và chuyên biệt để điều chỉnh về lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Các chuyên gia cho rằng: Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về giao thông đường bộ nói chung và trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ nói riêng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoài trong tình hình hiện nay. Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới trong quản lý, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ.

TS. Trần Ngọc Hưng, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho hay, việc xây dựng Luật này là cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông. Đây là vấn đề có tính cấp thiết, nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Góp ý cho Dự thảo Luật, TS. Trần Ngọc Hưng cũng đưa ra 10 kiến nghị cần xem xét. Trong đó, tại Điều 3 của Dự thảo Luật có đưa ra khái niệm, giải thích từ ngữ liên quan đến đường cao tốc, đường đô thị, đường phố, đường chuyên dùng…

Đại tá Đỗ Thanh Bình Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết “Sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do thực tiễn đã có nhiều vận động, thay đổi đòi hỏi phải ban hành những đạo luật mới, thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông”

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lại cho rằng: Tách Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ giúp đảm bảo việc phân công chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Giúp quá trình thực hiện nhất quán, đồng bộ giữa cơ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.

Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động