Xây dựng Luật sửa một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP theo thủ tục rút gọn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhằm giúp DN Việt Nam có thể hiểu rõ và hiểu đúng các cam kết của Hiệp định CPTPP, Bộ Công thương đang phối hợp với Sứ quán Ốt-xtrây-lia tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới xây dựng Cổng thông tin thương mại điện tử giới thiệu về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia (trong đó có Hiệp định CPTPP) với những công cụ tra cứu về các cam kết và quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, ngành hàng đối với từng đối tác tham gia hiệp định.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, Khoa học và công nghệ, Tư pháp và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng “Luật sửa một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP” để trình Quốc hội cho phép thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2019.
Xuất khẩu hàng dệt may dự kiến sẽ có tăng trưởng lớn sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. (Ảnh: P.Thảo) |
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Vì vậy, việc tham gia Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích và cơ hội cho Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các lợi ích và cơ hội về xuất khẩu, về việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, việc làm, thu nhập, cải cách thể chế…
Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ.
Cũng như tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia CPTPP sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến.
Đồng thời, tham gia CPTPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Vì vậy, về mặt xã hội, hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động.
Một vấn đề được khá nhiều người quan tâm là với lộ trình cắt giảm thuế quan khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, người tiêu dùng liệu có được mua ô tô giá rẻ? Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, với riêng ô tô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ô tô cũng sẽ không giảm như mong đợi.
“Đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện rồi, không còn là bài toán bảo hộ nữa. Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ô tô cũng sẽ có tác động lớn tới giá ô tô. Nói thế để thấy thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ô tô”, Vụ Chính sách thương mại đa biên giải thích.
Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại, Bộ Công thương cho rằng, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại